Bạn đang ở đây

Chương mở đầu

KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA

NÔNG DÂN HƯNG YÊN TRONG LỊCH SỬ

Hưng Yên là tỉnh thuộc châu thổ Sông Hồng màu mỡ, có hình thể tựa như lá cờ tổ quốc đang tung bay trước gió tôn tạo vẻ đẹp nên thơ của vùng quê đất nhãn. Hưng Yên có phía bắc giáp Hà Nội và Bắc Ninh, phía nam giáp Thái Bình, phía đông giáp Hải Dương, phía tây giáp Hà Đông và Hà Nam. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 894,79 km2 được phân giới thành 9 huyện 1 thị xã, với dân số là 1.078.521 người(1996), mật độ là 1.210 người/1 km2, thuộc tỉnh có mật độ tương đối đông trong cả nước. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hưng Yên, nơi đã vang bóng một thời phố Hiến. Với địa thế đó, Hưng Yên trở thành cửa ngõ phía đông của thủ đô Hà Nội và là cầu nối với các tỉnh phía đông của tổ quốc.

Theo dòng lịch sử, cư dân Hưng Yên đã tới đây định cư khá sớm, cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ đó cho đến nay, địa danh và phạm vi hành chính đã bao lần thay đổi.

Từ thuở Hùng Vương dựng nước, mảnh đất Hưng Yên ngày nay thuộc Bộ Dương Tuyền của nhà nước Văn Lang- Âu Lạc. Thời Lý- Trần vùng đất này thuộc Khoái Lộ của nước  Đại Việt. Thời Lê Sơ, lại thuộc Sơn Nam Thượng Trấn và Sơn Nam Hạ Trấn. Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm các huyện của phủ Khoái Châu và phủ Tiên Hưng. Năm Tự Đức thứ IV, chuyển huyện Phù Dung (Phù Cừ sau này) của phủ Khoái Châu sang phủ Tiên Hưng. Năm 1890, khi thành lập tỉnh Thái Bình, huyện Thần Khê của phủ Tiên Hưng nhập vào tỉnh Thái Bình. Năm 1894, tách hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ của phủ Tiên Hưng để nhập vào phủ Khoái Châu, chuyển cả phủ Tiên Hưng nhập vào tỉnh Thái Bình. Từ đó, dòng sông Luộc là danh giới tự nhiên phía Nam của tỉnh. Đến năm 1947, huyện Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh lại chuyển về Hưng Yên. Kể từ đây tỉnh Hưng Yên có 9 huyện là: Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ và thị xã Hưng Yên.

Ngày 26-1-1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 504/NQ-TVQH về việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Từ năm 1977 đến năm 1979, thực hiện quyết định của Hội đồng Chính phủ, các huyện tiến hành hợp nhất, trong đó có huyện điều chỉnh địa giới hành chính. Tỉnh Hưng Yên cũ chỉ còn lại 4 huyện là Mỹ Văn, Châu Giang, Kim Thi, Phù Tiên và thị xã Hưng Yên.

Trước khi tái lập tỉnh, huyện Kim Thi tách thành huyện Kim Động và huyện Ân Thi. Ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX phê chuẩn việc tách tỉnh Hải Hưng thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên. Đến ngày 1-1-1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập gồm các huyện: Mỹ Văn, Châu Giang, Kim Thi, Phù Tiên và thị xã Hưng Yên. Ngày 2-5-1997, thực hiện Quyết định số 17/ CP ngày 24-2-1997 của Chính  Phủ, hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ được tái lập. Đến ngày 1-9-1999, thực hiện Quyết định số 60/CP của Chính Phủ, hai huyện Mỹ Văn và Châu Giang chia tách để tái lập năm huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang và Khoái Châu. Tính đến tháng 9-1999, tỉnh Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thị là các huyện: Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ và thị xã Hưng Yên.

Về địa lý tự nhiên Hưng Yên là tỉnh hoàn toàn đồng bằng, địa hình tương đối phẳng, có độ cao trung bình so với mặt nước biển là +4m. Do độ cao- thấp khác nhau tạo nên đầm lầy như đầm Dạ Trạch và những khu lòng chảo gây úng cục bộ ở một số diện tích canh tác. Trong khi đó, ở những cánh ruộng cao đang bị hạn hán đe doạ. Nhìn chung độ dốc nghiêng thoải về phía Nam và Nam- Đông Nam, nên một phần diện tích của các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ và Nam Ân Thi thường bị úng thuỷ nặng nhất so với các huyện trong tỉnh.

 Đất đai canh tác toàn tỉnh là 61.037ha, chất đất có độ phì cao do trước kia được sông Hồng, sông Luộc bồi đắp gồm chủ yếu là đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất phù sa và đất thịt nặng, ngoài ra còn một số diện tích đất thôi chua, bạc điền khó canh tác.

Khí hậu tỉnh Hưng Yên cũng tương tự như các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng nhiệt đới ẩm- gió mùa. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 230C, được biến đổi theo 4 mùa xuân hạ thu đông. Độ chiếu sáng của mặt trời từ 1.300 - 1730 giờ/ năm. Nóng nhất vào mùa hè, có ngày nhiệt độ lên tới 380C-390C. Lạnh nhất vào mùa đông, có ngày nhiệt độ tụt xuống còn 80C-70C. Lượng mưa từ 1.800ly - 2.200 ly/năm, thường tập trung từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, trong đó kèm theo một số cơn bão tràn qua địa bàn của tỉnh.

Sông ngòi từ nhiên trong tỉnh có hai dòng sông lớn là 60km sông Hồng và 21km sông Luộc, làm thành đường phân giới tự nhiên với các tỉnh Hà Đông, Hà Nam và Thái Bình. Từ thuở xa xưa hai dòng sông này đã bồi đắp phù sa làm cho đất đai thêm màu mỡ. Ngoài ra còn các dòng sông Nghĩa Trụ, sông Cửu An, sông Kim Ngưu, sông Kẻ Sặt và hệ thống sông đào chảy vào đồng đất Hưng Yên. Dọc theo các triền sông Hồng, sông Luộc, sông Nghĩa Trụ, sông Cửu Yên, sông Sặt đều có hệ thống đê điều vững chắc, trong đó hệ thống đê sông Hồng và sông Luộc là lớn nhất, là công trình kinh tế - lịch sử- văn hoá qua hàng ngàn thế hệ cư dân Hưng Yên đã dày công xây đắp nên thân đê to khoẻ như chàng Sơn Tinh hùng dũng ngăn chặn dòng nước lũ  để bảo vệ cuộc sống thanh bình cho những xóm thôn trù phú.

Tất cả những điều kiện  tự nhiên về: khí hậu, sông ngòi, chế độ thuỷ văn, thổ nhưỡng v.v mà thiên nhiên đã ưu đãi cho đồng đất Hưng Yên để phát triển sản xuất nông nghiệp - cấy lúa nước, trồng ngô- khoai, đậu đỗ và cả những cây công nghiệp như mía, đay, lạc cùng những loại cây ràu màu có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt chất đất và điều kiện sinh thái rất phù hợp cho các loại cây- con đặc sản phát triển như cây nhãn, táo, sen, các loại hải sản nước ngọt và ong mật.

Song, có những năm, mùa vụ, thiên nhiên đã trừng phạt nơi đây gây ra biết bao cảnh hạn hán, bão lụt, úng thuỷ, dịch bệnh v.v, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Nhờ có hệ thống sông ngòi và đặc điểm của tỉnh nên giao thông thuỷ bộ ở tỉnh Hưng Yên phát triển . Về đường thuỷ, từ Hưng Yên, ta có thể đi ngược sông Hồng nên Hà Nội và xuôi dòng chảy ra vịnh Bắc Bộ hoặc rẽ theo dòng sông Luộc ra Hải Phòng được thuận tiện. Đây là tuyến giao thông đường thuỷ trọng yếu nối từ cảng Hải Phòng với thủ đô Hà Nội, đồng thời cũng giữ vị trí hiểm yếu trong các cuộc chiến tranh giữ nước.

Trên những dòng sông tự nhiên:  Nghĩa Trụ, Cửu An, Sông Sặt hợp với hệ thống sông đào cũng làm thành những tuyến vận tải thuỷ quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trong tỉnh.

Cùng với tuyến giao thông đường thuỷ, hệ thống giao thông đường bộ ở tỉnh Hưng Yên có vị trí cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phía bắc tỉnh có quốc lộ số 5 và đường sắt chạy qua là tuyến giao thông đường bộ trọng yếu từ cảng Hải Phòng và các tỉnh đông bắc của Tổ quốc với thủ đô Hà Nội. Ngoài ra còn đường 39A, 39B, 38 là trục giao thông chính trong tỉnh nối với các đường: 99, 179, 199, 201, 202, 203, 204, 205, 206 cùng hệ thống giao thông nông thôn đang được nâng cấp và cải tạo phục vụ cho yêu cầu phát triển và giao lưu kinh tế với các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hà Đông, Bắc Ninh và thủ đô Hà Nội.

Như vậy, mảnh đất Hưng Yên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần nhất định vào vựa lúa của đồng bằng sông Hồng: cùng với các cơ sở kinh tế, Hưng Yên có vị trí giao thông quan trọng, chiến lược về quân sự đối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Đó là những tiềm năng to lớn để giai cấp nông dân Hưng Yên đoàn kết bền bỉ đấu tranh oanh liệt với thiên nhiên qua nhiều thế hệ để khai phá đất hoang, dựng xóm lập làng, viết lên những trang sử anh hùng trong truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.

Cư dân Hưng Yên ngày nay là người Việt có tính cộng đồng cao, cần cù- sáng tạo trong lao động, anh dũng trong đấu tranh góp phần nhất định vào quá trình dựng nước- giữ nước và hình thành dân tộc Việt Nam.

Quá trình định cư trải qua nhiều thế hệ, lớp lớp nông dân nối tiếp nhau đến sinh cơ lập nghiệp. Theo thư tịch cổ: trên vùng đất Hưng Yên ngày nay vào những ngày đầu khởi nghiệp cư dân còn thưa thớt. Việc định cư ngày một đông dần, qua hàng nghìn năm khai phá mới có được làng xóm đông vui, sầm uất như ngày nay.

Trước cách mạng tháng 8/1945, toàn tỉnh có khoảng 48 vạn người, đến năm 1949 đã lên tới 589.823 người. Khi tổng điều tra dân số năm 1960, cả tỉnh có 605.539 người. Đến ngày 1-4-1999, dân số Hưng Yên là 1.068.705 người, với mật độ 1.210 người/1km2, thuộc tỉnh có dân số đông ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, từ xa xưa, cư dân Hưng Yên có tín ngưỡng thờ chim Lạc- một biểu tượng cao đẹp về "con rồng cháu tiên, con Hồng cháu Lạc" của ngày đầu dựng nước và sau đó đại đa số nhân dân theo đạo Phật đã phát triển đến đỉnh cao của thời Lý- Trần rực rỡ. Khi đạo Thiên chúa giáo xâm nhập vào nước ta, có một bộ phận nhỏ cư dân tin theo. Tính đến trước cách mạng tháng 8-1945, toàn tỉnh có khoảng 3% dân số theo đạo Thiên chúa, còn 97% dân số theo đạo Phật và thờ tín ngưỡng dân tộc. Trong quá trình cải tạo- xây dựng CNXH, số người theo đạo Phật và Thiên chúa giáo giảm dần, còn đại bộ phận nông dân trong tỉnh vẫn giữ tín ngưỡng dân gian và thờ cúng cha mẹ, tổ tiên, các vị có công với dân với nước để hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong cộng đồng cư dân đó, ngay từ buổi đầu dựng xóm lập làng, nông dân Hưng Yên đã lấy nghề cấy lúa nước làm nguồn sống chính (1). Song, lịch sử luôn vận động- phát triển, giai cấp nông dân ngày càng lớn mạnh, là kho của kho người để bổ sung cho các ngành nghề khác trong xã hội. Vào thời điểm năm 2000, toàn tỉnh có 87% dân số là nông dân sinh sống trong những làng quê trù phú. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử nông dân Hưng Yên cùng giai cấp nông dân cả nước có vị trí và vai trò to lớn trong quá trình dựng nước- giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Theo thư tịch cổ ở địa phương đã xác định, cư dân Hưng Yên có lịch sử định cư khá sớm, cùng với quá trình chinh phục đồng bằng Bắc Bộ của các bộ lạc "Bách Việt" trong thời kỳ dựng nước để lập nên nhà nước Văn Lang- Âu Lạc, toả sáng nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Các dòng họ đã tới đây dựng xóm lập làng, chặt lau sậy, khai phá đất hoang, cải tạo đầm lầy, thuần dưỡng đất đai để làm nên những thửa ruộng sơ khai cấy lúa, trồng khoai cho dân làng quần tụ. Song, với điều kiện tự nhiên và đặc điểm riêng biệt của vùng đất Hưng Yên, người nông dân đã sớm nhận biết và đón lấy tất cả những gì của "thiên thời địa lợi", và chủ động, sáng tạo trong việc ứng xử thiên tai như: úng thuỷ, hạn hán, dịch bệnh .v.v của đồng đất còn đượm vẻ hoang xơ. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu khai thác đất đai, nông dân Hưng Yên đoàn kết khắc phục những trở lực của thiên nhiên, mà trước hết là yêu cầu trị thuỷ.

Nhìn chung, đồng đất Hưng Yên có "thiên thời, địa lợi" được phù sa của sông Hồng, sông Luộc bồi đắp, song cũng gây ra biết bao tại hoạ lũ lụt, úng thủy đã cướp đi thành quả lao động của nông dân. Để tồn tại và phát triển trên mảnh đất này, từ xa xưa, cư dân thuở trước đã đắp đê phòng lụt. Đó là công trình trị thuỷ đầu tiên được các thế hệ nông dân nối tiếp nhau đào đắp cho thân đê cho dần vững chắc đủ sức chống trọi với thủy thần bão lũ hằng năm. Nông dân đoàn kết hộ đê phòng lụt như sức mạnh của "Sơn Tinh" đã chiến thắng "Thuỷ tinh", chặn dòng nước lũ giữ yên cảnh thanh bình để dân làng "An cư- lạc nghiệp" và "lạc nghiệp" để "an cư". Đó là đặc điểm nổi bật của cư dân Hưng Yên cũng như nhiều địa phương khác trong quá trình đi mở đất chinh phục đồng bằng Bắc Bộ.

Quá trình đó được tiếp nối qua nhiều thế hệ, là dòng chảy lịch sử không bao giờ cạn, nên phương thức canh tác, công cụ sản xuất, yêu cầu trị thuỷ ngày càng hoàn thiện đến đỉnh cao của mỗi người.

Từ ngày đầu khai phá, cùng với yêu cầu đắp đê phòng lụt, người nông dân còn phải đoàn kết nhau để khai những con  cừ nhỏ ven sông lấy nước "dẫn thuỷ nhập điền" để cấy trồng lúa nước. Đồng thời, biết sử dụng trâu bò cày, kéo và có những nông cụ giản đơn, nên sự tác động của con người vào giới tự nhiên rất hạn chế, họ chỉ chinh phục được ở những chân ruộng có nhiều thuận lợi, chỉ quần tụ ở những vùng đất ven sông, nơi có hồ và đầm lầy thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt trong dân. Về sau được mở rộng đến những vùng đất xa hơn. Dòng chảy của thời gian cứ trôi, các thế hệ cháu con tiếp nối bản anh hùng ca của cha ông thuở trước ra sức khai phá đất hoang, dựng xóm lập làng, dẫn nước thau chua làm cho ruộng đất ngày thêm thuần thục. Đó là quá trình thuần- dưỡng đất đai lâu dài và gian khổ của lớp lớp nông dân Hưng Yên phải đối mặt với mưa dầm nắng lửa, giá rét đêm đông, chống chọi với giặc ngoại xâm, thú dữ đầm lầy và thiên tai, dịch bệnh để biến những vạt đất hoang sơ thành "bờ xôi ruộng mật" nuôi sống cư dân.  Trên mảnh đất này đã thấm đượm bao giọt mồ hôi và cả máu xương của các thế hệ nông dân thuở trước đã hoá thân vào lòng đất để có hạt thóc củ khoai nuôi quân giữ nước.

Song, việc canh tác xưa kia phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên. Năm nào có "mưa thuận gió hoà", người nông dân  đón lấy tất cả những gì mà "thiên thời- địa lợi" đã ban cho mùa về lúa tốt bội thu, dân làng vui như mở hội. Những năm thời tiết không thuận, mưa nắng thất thường gây nên hạn hán, úng thuỷ, sương muối, dịch bệnh .v.v làm cho việc canh tác gặp bao  khó khăn trắc trở. Ruộng đất chỉ cấy một vụ bấp bênh ngay cả chân "thượng đẳng điền" cũng khó làm ăn. Phần lớn ruộng đất trong tỉnh thường rơi vào cảnh "chiêm khê mùa thối".

Để chinh phục mảnh đất này, nông dân Hưng Yên đã sớm lập được hệ sinh thái phù hợp với đồng đất địa phương. Nơi đất trũng không cấy được và cả đầm lầy, hồ ao v.v thì trồng sen, thả cá, trồng muồng làm mũ và nuôi - trồng các loài thủy sinh hữu ích. Chân ruộng cao cấy lúa chịu hạn. Những cánh ruộng trũng cấy lúa chịu úng như: râu đen, hom,  muộn sụng .v.v. Khi cấy xuống gặp mưa bão úng thuỷ, cây lúa cứ ngoi theo triền nước nổi, đến mùa vẫn cho thu hoạch. Vùng đất bãi và cánh cao pha cát trồng ngô, khoai, đậu, đỗ, mía và rau màu các loại. Ngoài ra người nông dân còn tận dụng nơi đất trống để trồng các loại cây khác để phục vụ đời sống dân sinh.

Trong tiến trình đó, trồng trọt và chăn nuôi có quan hệ chặt chẽ, tạo tiền đề cho nghề nông phát triển. Từ xa xưa, nông dân Hưng Yên đã nuôi trâu bò để cày bừa ruộng bãi, nhất là những chân ruộng hạn và úng thuỷ đều phải dùngđến sức kéo của trâu- "con trâu là đầu cơ nghiệp" đã trở thành hiện thực của nhà nông. Ngoài ra, trong mỗi gia đình nông dân còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập, trong đó  nuôi lợn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhà nông, ngoài việc đáp ứng yêu cầu chính là nguồn thực phẩm đầu vị trong sinh hoạt của cư dân còn có nguồn phân chuồng đáng kể để cải tạo chất đất. Nhờ đó ruộng bãi không bị bạc màu, càng canh tác đất đai càng trở nên màu mỡ. Mang lại mùa màng lúa tốt bội thu.

Việc khai thác tiềm năng của đất còn phụ thuộc trình độ chế ngự thiên nhiên, nhất là vấn đề trị thuỷ của mỗi thời kỳ lịch sử. Từ khi hoà bình lập lại (1954) và cả những năm cải tạo xây dựng CNXH, vấn đề trị thủy được coi là biện pháp hàng đầu của nghề nông. Song phải tiến hành từng bước, mà trước hết là việc xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng- Hải cùng hệ thống sông ngòi Trung - Tiểu thuỷ nông, mương chìm, máng nối, trạm bơm điện đã cho phép cải tạo đồng ruộng theo phương pháp thâm canh mới. Nghề nông ở Hưng Yên có những bước chuyển mình quan trọng, chấm dứt tình trạng "chiêm khê mùa thối" mang lại hiệu quả cho nghề nông.

Trước sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới (1986) những tiến bộ của khoa học công nghệ được giai cấp nông dân áp dụng rộng rãi trên đồng đất Hưng Yên. Các trạm bơm điện được cải tạo, nâng cấp xây mới những trạm bơm tiêu úng đã giải quyết cơ bản việc tưới tiêu, thực hiện phần lớn diện tích gieo trồng được điều tiết nước theo phương pháp khoa học. Phù hợp với độ sinh trưởng của cây lúa. Từ khâu chủ động về tưới- tiêu, tạo điều kiện cho khâu làm đất, đưa giống lúa mới vào đồng ruộng, để xây dựng những cánh đồng lúa cao sản. Phương thức canh tác ngày càng tiến bộ, bắt ruộng đất phải quay vòng thành 2-3 vụ trong năm. Giai cấp nông dân Hưng Yên đã thừa kế những tinh hoa nghề cấy trồng lúa nước của cha ông thuở trước và tiếp thu thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả sử dụng đất ngày càng cao hơn. Làm vụ đông được xác lập từ những năm đầu của thời kỳ cải tạo- xây dựng CNXH, nay đã trở thành truyền thống của nông dân trong tỉnh. Xưa kia vụ đông chủ yếu để khắc phục tình hình thiếu hụt lượng thực là chính và dùng phụ phẩm cho việc phát triển chăn nuôi. Ngày nay, làm vụ đông đã thay đổi hẳn phương thức canh tác và nếp nghĩ của người nông dân. Làm vụ đông là sự tiếp nối của chu trình sản xuất, bắt đất quay vòng để tái tạo và khai thác đất ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ sự chủ động về thuỷ lợi, quy hoạch đồng điền và tiếp thu những bộ giống cây vụ đông đa dạng, phong phú để phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu và sản xuất hàng hoá cho thị trường xã hội đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong tỉnh.

Cùng với nghề làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nông dân Hưng Yên còn làm vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế và cảnh quan, môi trường sinh thái cho xóm thôn trù phú.

Trong quá trình định cư, vườn từng bước được hình thành trong mỗi gia đình nông dân. Khác với nhiều địa phương trong cả nước, ở Hưng Yên người nông dân phải bỏ ra nhiều công sức tiền của để đào ao thả cá, vượt đất làm nền nên vườn- ao- sân phơi- đất ở thường nối tiếp tạo nên khuôn viên hợp lý trong mỗi gia đình. Do đất đai quý hiếm, nên phần lớn vườn tược trong dân trồng các loại cây ăn quả truyền thống như vải, nhãn, cam, chanh, táo, na, chuối .v.v và cả các loại cây tạp khác nhằm thoả mãn yêu cầu dân dụng. Song, cũng có những nơi thuộc vùng đất bãi, tiện lưu thông hàng hoá đã hình thành những thửa vườn chuyên dụng         trồng: vải, nhãn, cam, quýt, trầu không, trồng hoa và trồng các loại cây cảnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình  nông dân.

Với đức tính cần cù, sáng tạo trong trồng trọt và chăn nuôi, từ hàng ngàn đời sưa, nông dân Hưng Yên đã chọn lọc trong tự nhiên và thuần hoá được những giống cây con để làm ra đặc sản của địa phương như: nếp cái hoa vàng, hạt gạo tám xoan, mật ong, long nhãn, gà Đông Tảo, táo Thiện Phiến, dưa hấu Đình Cao đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Trong đó cây nhãn lồng Hưng Yên là cây đặc sản quan trọng nhất và là cây mũi nhọn kinh tế của nông dân. Chính cây nhãn tổ ngày nay là di sản của giống nhãn lồng Phố Hiến tiến vua thuở trước. Cây nhãn đã thân quen gần gũi trong mỗi gia đình nông dân. Nhãn trồng trong vườn, trước ngõ, sau nhà, hai bên trục đường đi, đất công cộng và cả đình chùa miếu mạo là nơi tôn nghiêm nhất cũng đều có nhãn. Khắp xóm làng ở Hưng Yên bao phủ màu xanh bạt ngàn của nhãn. Phần lớn số nhãn trong tỉnh đều có nguồn gốc xa xưa từ cây nhãn tổ. Song, quê hương xứ sở của nhãn là các xã ven sông xung quanh Phố Hiến, quy tụ lại ở các xã Quảng Châu, Hồng Nam (Tiên Lữ ) có nghề trồng nhãn giỏi nhất. Việc chọn nhãn giống, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ đã trở thành nghề có tiếng trong dân có sức quy tụ để hình thành thị trường thống nhất về mặt hàng nhãn quả. Vào mùa nhãn, cách Phố Hiến không xã có chợ Giàu bán nhãn. Tất cả các loại nhãn thơm ngon nhất từ giống lấy ở cây nhãn tổ tiến vua ngày trước cho đến nhãn cùi, nhãn nước, nhãn đường phèn Phố Hiến đều được quy tụ về đây. Cả phiên chợ bạt ngàn toàn là nhãn, người mua, người bán đông vui như trẩy hội. Chính những hương thơm vị ngọt đặc trưng của nhãn lồng Phố Hiến và phiên chợ Giàu có thể làm thoả mãn lòng ham, ước muốn của du khách sành điệu nhất và thương buôn có hạng.

Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, nghề thủ công ra đời từ rất sớm. Vào những tháng nông nhàn, nông dân Hưng Yên còn tham gia các nghề thợ xây, thợ mộc, đan nát, dệt lụa và chế biến nông sản làm phong phú cuộc sống xóm thôn. Với đức tính cần cù, trí thông minh và được bàn tay khéo của người nông dân đã làm ra các vật dụng trong đời sống cư dân đạt đến mức tinh xảo và điêu luyện để hình thành các làng nghề nổi tiếng như: nghề đúc đồng và làm các công việc hàng đồng ở làng Cầu Nôm thuộc xã Đại Đồng huyện Văn Lâm; nghề làm bừa ruộng ở Vân Dương huyện Mỹ Hào; chăn tằm dệt lụa nổi tiếng là lụa Vân Phương (Liên Phương- Tiên Lữ ), Phú Thị (Khoái Châu ), Như Lân, Cửu Cao (Văn Giang ), Phương Tòng (Kim Động ); thợ nhuộm ở Đồng Tỉnh, Huê Cầu (Văn Giang) và cả ở thôn Nghĩa Trang, Sài Trang (Yên Mỹ ); thợ xây ở làng Vị (xã Phương Chiểu- Tiên Lữ ); nghề sơn mài ở Bình Sơn (Yên Mỹ ); làm quạt giấy ở Hới (Hải Triều - Tiên Lữ ) và ở Đào Xá (Ân Thi ); đan thuyền ở Nội Lễ; đan Lờ đó ở Nội Năng; làm mành ở Đa Quang; dệt bao đay ở Triều Dương (Tiên Lữ ); làm nồi đất ở Đạo khê (Yên Mỹ ); nấu mật làm đường mía ở xã Hùng Cường, Phú Cường (Kim Động ), Nguyên Hoà (Phù Cừ), Tân Hưng (Tiên Lữ ); nấu rượu gạo ở Trương Xá (Ân Thi ); làm tương ở Bần (Mỹ Hào ); vớt cá trứng ở các xã Tân Hưng, Quảng Châu (Tiên Lữ ).

Trong những năm xây dựng và cải tạo XHCN, nông dân Hưng Yên phát triển thêm nhiều nghề mới: dệt thảm, làm mũ, khai thác và sản xuất ngày càng nhiều các loại vậy liệu xây dựng, chế biến đặc sản thành mứt sen, hạt sen, long nhãn, mứt táo và nhiều nghề khác phục vụ đời sống dân sinh, tham gia tích cực vào thị trường xã hội.

Trên cơ sở nền kinh tế phát triển và vị trí thuận tiện cho giao thông thuỷ bộ, chợ nông thôn từng bước được hình thành để trao đổi các vật phẩm của nhà nông. Theo đặc điểm và sắc thái địa phương các huyện, thị đều có "chợ huyện" và những tụ điểm buôn bán khá sầm uất làm phong phú tính tự cung tự cấp của các làng- xã thời xưa. Trong quá trình hình thành và phát triển thị trường xã hội, nông dân là lực lượng đông đảo nhất, họ vừa sản xuất vừa tham gia lưu thông hàng hoá. Đồng thời, một bộ phận nhỏ nông dân dựa theo các tháng nông nhàn đi buôn chuyến hoặc tách khỏi nông nghiệp để hình thành những tụ điểm thương nghiệp ở tỉnh lỵ và các huyện. Vì vậy, cùng với chợ nông thôn, nông dân đã góp phần vào lưu thông hàng hoá của mình, đạt đến mức có những người hoặc làng- xã chuyên buôn bán một mặt hàng như: lúa gạo, tơ lụa, đường mật, đậu đỗ các loại, trầu không, long nhãn, hạt sen, thuốc lào, thuốc bắc, hàng đồng cùng nhiều loại hàng hoá khác đã kích thích nền nông nghiệp trong tỉnh phát triển, đáp ứng yêu cầu cung cấp hàng hoá cho thị trường xã hội, mà đỉnh cao là sự hưng thịnh của Phố Hiến từ đầu thế kỳ thứ XVII. Tại thương cảng sầm uất đứng thứ nhì ở Đàng ngoài, các công ty Đông ấn của Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc đều có thương điếm đặt ở Phố Hiến và các khu vực gần đó để buôn gạo, đường mía, tơ lụa và nhiều mặt hàng khác của nông dân trong tỉnh (1). Vào những năm cải tạo-xây dựng XHCN vẫn giữ được vị trí của mình cho nông dân trong tỉnh trao đổi vật phẩm. Trong sự nghiệp đổi mới, những trung tâm buôn bán cũ và mới ngày càng hưng thịnh với nhiều chủng loại hàng hoá phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hoá- hiện đại hoá nông thôn.

Nhờ có nghề nông phát triển, truyền thống lịch sử - văn hoá của nông dân Hưng Yên mang đậm dấu ấn nền văn hoá Việt Nam, có cốt lõi của nền văn minh sông Hồng rực rỡ, ẩn chứa tinh tế bản sắc văn hoá địa phương. Đồng thời, truyền thống đó góp phần nhất định vào nền văn hoá chung và sự hình thành dân tộc Việt Nam.

Nét đẹp văn hoá Hưng Yên được dựng xây qua nhiều thế hệ. Từ ngày khởi thuỷ, cha ông ta là lớp lớp các thế hệ nông dân thuần phác giàu lòng yêu quê hương đất nước đã tụ cư trên mảnh đất này, dựng đình làng thờ "thành hoàng" có công giúp nước. Từ xa xưa đời sống văn hoá của người nông dân có quan hệ chặt chẽ với điều kiện của cư dân trồng lúa nước được phản ánh sinh động trên các hoạ tiết của mái đình xưa. Những hoa văn sóng nước, vân mây, rồng, sen .v.v. luôn gắn liền với nông nghiệp. Biết bao kỷ niệm tình cảm tốt đẹp của người nông dân gắn bó mật thiết dưới mái đình cổ kính. Cây đa, giếng nước, mái đình uốn cong đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ và tâm tưởng của người nông dân. Trong mỗi làng quê, nét đẹp văn hoá hoà quyện với thiên nhiên cảnh quan môi trường trong sạch là những hàng nhãn và luỹ tre xanh bao bọc đều có cây đa cổ thụ ở đầu làng như ghi lại dấu tích của người xưa cho người đi xa và người ở lại luôn tâm tưởng về những kỷ niệm của làng quê trù phú.

Đời sống văn hoá của nông dân Hưng Yên vô cùng phong phú là những hoạt động lễ hội, câu hò điệu hát quen thuộc được hình thành trong lao động sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của cư dân. Điệu hát cò lả, hát trống quân, hát chèo, hát "Ả đào" và cả những làn dân ca đều vút lên từ trong các làng xã hay trên cánh đồng xanh đã tô đậm truyền thống quê hương hoà quyện với tâm hồn dân tộc. đặc biệt vào những kỳ tế lễ hằng năm, các hoạt động văn hoá ở các đình làng, đền thờ, điện thờ .v.v phản ánh sinh động nét đẹp văn hoá của làng quê.

Đời sống văn hoá của nông dân Hưng Yên cũng như biết bao làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ đã diễn ra thường xuyên liên tục ở nơi thôn dã, là dòng chảy lịch sử không bao giờ cạn và chảy mãi cho đến mai sau. Song, các hoạt động văn hoá thường tập trung vào mùa xuân và mùa thu là những tháng nông nhàn. Khi công việc của nhà nông tạm ổn. Song, lễ hội đậm đà nhất thường vào mùa xuân. Hằng năm, khi mỗi độ xuân về là thời điểm khởi đầu của lễ hội, theo lệ làng quy định từ mồng 4 tết Nguyên đán trở ra đến đầu tháng Giêng là các "làng vào đám" tế lễ Thành Hoàng ở đình làng là các vị có công giúp dân cứu nước, rồi mở hội khai xuân, mang sức sống mới thanh bình cho làng quê trù phú. Lễ hội mang đậm dấu ấn của công xã nông thôn về hoạt động văn hoá cộng đồng thu hút các bậc cao niên, trai tài, gái giỏi cùng toàn dân ca hát, đánh cờ, chọi gà, đối thơ và biết bao những hoạt động văn hoá giàu tính nhân văn ngợi ca cuộc sống đôn hậu thuần phác của nông dân Hưng Yên hoà quyện với hồn dân tộc, làm cho cảnh làng quê thêm ấm áp khi mỗi độ xuân về.

Tất cả những truyền thống văn hoá đó được các thế hệ tiếp nối bồi đắp cho ngày thêm phong phú. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, lễ hội truyền thống của nhiều làng xã trong tỉnh được khôi phục, thừa kế nét đẹp văn hoá của tổ tiên thuở trước để làm giàu đẹp quê hương trong cuộc sống nông thôn đổi mới.

Chính từ những điều kiện tự nhiên- xã hội và văn hoá là yếu tố cơ bản hun đúc nên truyền thống và tư chất thông minh hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường- dũng cảm trong đấu tranh với thiên nhiên, chống áp bức bất công và cùng toàn dân đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Vì vậy, qua mỗi thời kỳ lịch sử, nông dân Hưng Yên cống hiến cho đất nước những danh nhân lỗi lạc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế , văn hoá xã hội. Đó là những bậc tiền liệt như : Chử Đồng Tử (huyện Khoái Châu ), Phạm Ngũ Lão (huyện Ân Thi ), Tống Trân (huyện Phù Cừ ), Nguyễn Trung Ngạn (huyện Ân Thi ), Đào Thị Huệ (Ả Đào Nương-Huyện Tiên Lữ), Đoàn Thị Điểm (Giai Phạm-Yên Mỹ), Lê Như Hổ (huyện Tiên Lữ ), Chu Mạnh Trinh (Văn Giang ), Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Yên Mỹ ), Đào Công Soạn (huyện Tiên Lữ ), Nguyễn Thiện Thuật (cụ Tán Thuật- huyện Khoái Châu ), Trương Văn Thám (Hoàng Hoa Thám- huyện Tiên Lữ ) cùng nhiều vị khác trong số 215 vị đỗ đại khoa trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam.

Song, sự nghiệp dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, nông dân Hưng Yên giàu truyền thống yêu quê hương đất nước và chống giặc ngoại xâm. Qua thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian đã cho biết từ buổi đầu khởi nghiệp, cư dân Hưng Yên đã theo các tướng lĩnh phù Vua Hùng đánh đuổi giặc Ân, giặc Man. Dấu tích đó còn lưu lại trên khắp các cánh đồng, làng quê trong tỉnh đều mọc lên những bụi tre mà Thành Gióng đã đánh đuổi giặc Ân. Kế tiếp đến An Dương Vương và thời Bà Trưng đánh giặc nhân dân các thôn trang theo các tướng lĩnh đánh đuổi quân xâm lược. Sự tích còn lưu lại trong các đền thờ ở nhiều xã thôn trong tỉnh. Khi Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, cư dân ở Chạ Xá, Chạ Ché (Tiên Lữ ) cùng một số địa phương trong tỉnh đã ủng hộ quân lương, góp phần làm nên chiến thắng sông Bạch Đằng lịch sử. Mở ra trang sử mới chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Sang thời kỳ tự chủ, chiến công  vẫn nối tiếp chiến công, cư dân nơi đây đã ủng hộ quân lương, cử trai tráng trong làng cùng các tướng lĩnh như Phạm Ngũ Lão đã phù vua Trần đánh giặc góp phần lập nên những chiến công vang dội ở Hàm Tử (Khoái Châu ), Chương Dương, Tây Kết .v.v để ba lần chiến thắng giặc Nguyên- Mông mang lại nền thái bình cho đất nước. Đến thế kỷ thứ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, Bà "Ả" Đào Thị Huệ cùng các bô lão và nhân dân đánh giặc với những mưu kế và vũ khí của nhà nông là tiếng hát hay, chén rượu ngon, lừa cho giặc ngủ vào trong mỗi túi rồi thắt lại, lăn xuống sông Càn Đà. Khi đất nước thái bình, vua Lê phong bà là "Mẫu quốc đại vương", truyền cho dân làng lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của bà đã giúp dân cứu nước.

Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, những cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra ở nhiều nơi, trong đó có sự đóng góp của nghĩa quân Bãi Sậy. Họ là nông dân thuần phác có lòng yêu quê hương đất nước và chí căm thù giặc sâu sắc đã theo cụ Tán Thuật anh dũng kháng Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, một số tướng lĩnh và nhân dân đã theo cụ Hoàng Hoa Thám tụ nghĩa trên núi rừng Yên Thế kiên cường đánh giặc.

Tất cả những truyền thống yêu nước đó đã hun đúc nên  phẩm chất cao quý của nông dân Hưng Yên kiên cường anh dũng chống áp bức cường quyền của chế độ thực dân phong kiến , giành chính quyền cách mạng và hoàn thành hai cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc. Trong tiến trình chung của cả nước, lớp lớp các thế hệ nông dân đã cống hiến sức người sức của trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ- xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong các cao trào cách mạng chung của cả nước, nông dân chở che nuôi dưỡng cơ sở cách mạng và có hàng chục vạn nông dân mặc áo lính xông pha nơi trận tuyến. Quê hương và truyền thống đã hun đúc phẩm chất cao quý của các đồng chí: Tô Hiệu, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương và một số đồng chí khác là những người con của nông dân Hưng Yên đã trưởng thành trong đấu tranh cách mạng trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và trong quân đội.

Ngày này trên quê hương Hưng Yên, tổ chức Hội và giai cấp Hưng Yên luôn trân trọng tất cả những gì quá khứ và phát huy truyền thống lên trình độ mới. Người nông dân càng tha thiết yêu quê hương  đồng ruộng để biến những mảnh đất của cha ông thuở trước thành "tấc đất tấc vàng" trong cơ chế kinh tế mới. Mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo phương thức làm ăn mới đang phát triển rộng khắp ở các huyện như: trồng nhãn đặc sản ở Tiên Lữ ; trồng hoa, dược liệu và cây cảnh ở Khoái Châu, Văn Giang , Yên Mỹ, Thị xã Hưng Yên để cung cấp thị trường rộng lớn ở thủ đô Hà Nội và đời sống của những hộ nông dân đang nâng cao từng ngày. Các xã thôn đang vững bước trên con đường đổi mới, hệ thống Điện- Đường- Trường- Trạm đang được nâng cấp và hoàn thiện trong sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá nông thôn, các làng quê xưa kia nay đã chuyển mình xây dựng "làng sinh thái" vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm cảnh quan thiên nhiên, môi trường cho cuộc sống xóm thôn. Bộ mặt nông thôn đang thay đổi từng ngày, sự nghiệp y tế- giáo dục và văn hoá phát triển, toàn dân được phổ cập cấp I, trong đó có 60% dân số ở trình độ cấp II và cấp III. Con em của giai cấp nông dân được tri thức hoá ở trình độ cao, 20% dân số có trình độ cao đẳng và đại học. Một bộ phận trong số đó đã trở thành kỹ sư, bác sỹ, nhạc sỹ, nhà văn hoá, nhà văn, nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý kinh tế đã công tác và lập nghiệp trên khắp mọi miền của tổ quốc đang hàng ngày hàng giờ cùng giai cấp nông dân xây dựng quê hương đổi mới.

 

Đất và người Hưng Yên đã trường tồn trong lịch sử thật anh dũng và đẹp đẽ ngời sáng những bản anh hùng ca của lớp lớp các thế hệ nông dân đấu tranh oanh liệt với thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc sống gian lao vất vả đã chung đúc nên phẩm chất cao quý của nông dân Hưng Yên cần cù sáng tạo trong lao động, chân thực- thật thà  trong lẽ sống, kiên cường- dũng cảm trong đấu tranh, giàu đức hy sinh vì quê hương đất nước. Từ xa xưa cho đến ngày nay, mọi nguồn lực đều nằm ở trong dân, mà nông dân là lực lượng to lớn nhất  làm ra lương thực, thực phẩm bảo đảm sự sống còn của toàn xã hội. Chính nông thôn là nơi bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc và sắc thái địa phương. Những tinh hoa và truyền thống đó chỉ được phát huy, khi giai cấp nông dân liên minh chặt chẽ với giai cấp công nhân làm nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện mọi nhiệm vụ cách mạng, dưới ngọn cờ vinh quan của Đảng. Chỉ có đi theo Đảng cộng sản Việt Nam thì giai cấp nông dân mới được giải phóng và phát huy năng lực sáng tạo của mình để xây dựng - bảo vệ quê hương đất nước. Ngày nay trước yêu cầu xây dựng nông thôn đổi mới, giai cấp nông dân Hưng Yên ra sức sản xuất trong các phong trào thi đua yêu nước, là lực lượng đông đảo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá vươn tới những mô hình làm ăn mới để làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của quê hương xứ sở. Trong cuộc đấu tranh mới, giai cấp nông dân Hưng Yên quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ hướng tới tương lai, nhạy bén áp dụng những thành tựu của khoa học- công nghệ để xây dựng nông thôn đổi mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh.

 

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân