Bạn đang ở đây

'Bệ phóng' cho lúa lai Việt

(06.06.2016)

(Website HNDHY) - Từ cảnh lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn giống lúa lai nước ngoài, với sự nhập cuộc của một số doanh nghiệp giống cây trồng trong lĩnh vực SX hạt lúa lai F1, lúa lai Việt đang dần đẩy lùi “cuộc xâm lăng” của lúa lai ngoại nhập.

Thế nhưng, muốn thắng thế, ngành SX hạt giống lúa lai F1 đang rất cần bàn tay nâng đỡ của nhà nước.

Cần nhân rộng quy mô

Năm 2004, trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN) đã lai tạo ra giống lúa Việt lai 20 và được công nhận là giống quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Từ đó đến nay, có nhiều giống lúa lai khác được ra đời như TH3-3, TH5-1, TH 3-4 và Việt lai 24... Những giống này cũng đã được công nhận là giống quốc gia và đang được SX trên diện tích hàng nghìn héc-ta.

Đến nay, Việt Nam đã tự SX được hạt giống lúa lai trong nước với quy tương đối lớn, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu mở rộng diện tích lúa lai nhanh chóng ở miền Bắc và miền Trung. Do đó phải chi ngoại tệ nhập khẩu hạt giống lúa lai từ nước ngoài, chủ yếu là hạt giống lúa lai từ Trung Quốc.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ ĐX 2015 - 2016 có 12 đơn vị tham gia SX hạt giống lúa lai F1 tại 11 tỉnh, TP với quy mô 1.464ha, tổng sản lượng 4.100 tấn. Vụ mùa 2016 dự kiến sẽ SX 1.100 - 1.200ha, sản lượng ước đạt 3.500 tấn. Như vậy, tổng sản lượng hạt lai F1 SX cả năm đạt 7.500 - 8.000 tấn, chỉ đáp ứng nhu cầu hạt giống trong nước từ 37 - 40%.

Ngành nông nghiệp đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của SX giống lúa lai. Bằng chứng là 3 năm qua, dự án “Phát triển mô hình SX hạt giống lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống SX trong nước” đã được Trung tâm KNQG nỗ lực triển khai.

Hiệu quả lớn

TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG chia sẻ, chỉ tính riêng năm 2015, tổng quy mô thực hiện dự án là 920ha, tổng sản lượng hạt lai F1 đạt 2.450 tấn. Chỉ tính bình quân giá bán thấp hơn giá nhập khẩu 10.000 đ/kg, đã tiết kiệm được khoảng 24,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc SX lúa lại còn đem lại hiệu quả gián tiếp. Với sản lượng 2.450 tấn giống F1, dự kiến gieo cấy được khoảng 80.000ha thóc thương phẩm. Ước năng suất bình quân 1 tấn/ha, sản lượng tăng khoảng 80.000 tấn thóc, tương đương khoảng 480 - 500 tỷ đồng.

Vừa qua, tại hội nghị sơ kết SX hạt giống lúa lai F1 vụ ĐX 2015 - 2016 vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng phân tích: “Chất lượng hạt giống lúa lai F1 SX tại Việt Nam không kém hơn Trung Quốc nhưng giá thành và giá bán thấp hơn từ 15 - 20%. Trên thực tế tổng lượng và giá nhiều loại lúa lai F1 nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm khoảng 20 -30%.

Và, để khỏa lấp khoảng 12.000 tấn hạt giống lúa lai F1 còn thiếu (phải nhập khẩu từ nước ngoài) để phục vụ SX, chúng ta cần phải làm rất nhiều việc.

Theo ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân, đơn vị vừa SX hạt giống lúa lai bố mẹ 2 và 3 dòng, vừa SX hạt giống lúa lai F1 với diện tích lớn nhất nước ta, chia sẻ: Hiện nhu cầu SX lúa lai vẫn rất lớn.

Tuy nhiên, SX lúa lai cần công nghệ cao, đòi hỏi chi phí lớn, rủi ro nhiều, bởi vậy, không ít doanh nghiệp đã bỏ cuộc và chuyển sang làm lúa thuần nhằm “ăn chắc mặc bền”. Do đó Nhà nước hỗ trợ là rất quan trọng”.

Cũng theo ông Sáu, một số doanh nghiệp ở nước ta rất hăm hở SX hạt giống lúa lai, nhưng họ chưa nắm trong tay những bộ giống lúa tốt nên sản phẩm không thể “địch” được với hạt giống lúa lai nhập khẩu. Ngay cả những một số “ông lớn” trong ngành giống cây trồng cũng chỉ có một vài giống được nông dân đón nhận.

Bởi vậy, quan trọng hơn cả là chúng ta phải nghiên cứu chọn tạo nhiều dòng mẹ bất dục, có những tổ hợp lai tốt để đa dạng hóa giống lúa lai, tiếp tục hoàn thiện các quy trình công nghệ để tập huấn cho bà con nông dân nắm vững kiến thức. Mà, muốn làm được thế, doanh nghiệp không thể tự bơi được, thế nên, sự hỗ trợ của nhà nước trong việc mở rộng SX là rất quan trọng.

Vụ ĐX 2015 - 2016 là thời điểm ngành nông nghiệp của nước ta chứng kiến sự “oanh tạc” của biến đổi khí hậu khá dữ dội. Nói theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thì “chúng ta đã ghi được những số liệu kỷ lục và rất khó lường”. Rét đậm, rét hại rơi vào đúng thời điểm gieo cấy khiến gần 1.800ha mạ bị thiệt hại, phải gieo cấy lại. Nhiều diện tích lúa, đặc biệt là lúa thuần kéo dài thời gian sinh trưởng khoảng 7 - 10 ngày. Thế nhưng, khó khăn luôn là môi trường tốt để “kẻ mạnh” như các dòng lúa lai thể hiện sự vượt trội.

Theo Cục Trồng trọt, lúa lai là giải pháp quan trọng để ổn định, SX bền vững, tăng năng suất và sản lượng lúa. Vụ ĐX năm nay, nhiều địa phương đã đưa các giống lúa lai mới vào SX trên quy mô rộng; nhìn chung các giống đều sinh trưởng phát triển, chống chịu tốt hơn các giống lúa thuần trong điều kiện bất thuận; đặc biệt giống lúa lai có khả năng chịu rét tốt hơn lúa thuần, đây là cơ sở để đẩy mạnh diện tích lúa lai trong SX.

Theo NNVN

Lượt xem:

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân