Bạn đang ở đây

Công tác tuyên truyền vận động hội viên phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

(29.11.2018)

(WebsiteHNDHY) - Tiền Phong là xã thuần nông nằm ở phía nam của huyện Ân Thi, có diện tích tự nhiên trên 470 ha, trong đó đất nông nghiệp 326,55ha, dân số 5325 nhân khẩu nằm trong 1725 hộ, có 6 chi hội và chia 17 tổ Hội để tổ chức sinh hoạt cho 1784 hội viên nông dân, số hội viên, đạt tỷ lệ 95% hộ nông nghiệp có hội viên.

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tình hình an ninh chính trị ổn định và giữ vững, kinh tế xã hội phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%, có 3/3 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa, cuối năm 2017 được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế phải luôn gắn với bảo vệ môi trường bởi vì môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của toàn thể nhân dân trên địa bàn dân cư. Những năm qua thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, số lượng chất thải, rác thải, tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng ngày càng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Nhận thức được vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong hệ thống chính trị của Đảng và để giữ vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Hội Nông dân xã đã thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân phát triển kinh tế đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.

Qua khảo sát đối với hội viên, nông dân nhận thấy: Nông dân cần kiến thức KHKT, vốn để đầu tư mở rộng sản xuất; cần việc làm để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân xã đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác Hội, giao chỉ tiêu cho các chi, tổ hội làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm. BCH Hội Nông dân xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, giống vốn của từng hộ phát huy hiệu quả trong SXKD, hướng mạnh vào thâm canh quay vòng tăng vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ  mới vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, mở rộng diện tích trồng lúa hàng hoá chất lượng cao đạt 70% diện tích, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông như bí xanh, bí bao tử, cải ngọt vv..chiếm 40% diện tích, chăn nuôi theo hướng tập trung các trang trại vừa và nhỏ gắn với bảo vệ môi trường. Để hỗ trợ phong trào phát triển kinh tế sâu rộng, hàng năm Hội Nông dân cơ sở đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển giao KHKT được trên 20 lớp cho hơn 2.000 lượt hội viên tham dự, giúp nông dân tiếp thu về kiến thức kỹ thuật chăm sóc lúa gieo thẳng, sử dụng thuốc BVTV và phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng phân bón, quy trình sản xuất trong chăn nuôi …

Đi đôi với hoạt động tuyên truyền chuyển giao tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp ủy thác với ngân hàng CSXH huyện, xây dựng các dự án cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, nguồn vốn vay là hơn 4,1 tỷ đồng cho 185 hộ vay.Vốn vay Ngân hàng nông nghiệp và PTNT gần 20 tỷ đồng ở 5 tổ vay vốn cho183 hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất. Lập dự án đề nghị cho 11 hộ vay số tiền 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh để tập trung phát triển mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Các nguồn vốn trên đã tạo công ăn việc làm cho hội viên nông dân phát triển sản xuất và kinh  doanh  mang lại  hiệu quả kinh tế cao từ nguồn vốn đó số hộ được giúp đỡ thoát nghèo ngày càng tăng. Đến năm 2017 toàn xã có 672 hộ được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đã giúp cho 30 hộ nông dân thoát nghèo; góp phần giảm hộ nghèo của xã đến năm 2018 còn dưới 4,5% (theo tiêu chí mới) .

Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân huyện về triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của các cấp Hội Nông dân trong tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân xã đã tổ chức tuyên truyền cho hội viên nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các giống cây trồng đảm bảo an toàn vệ sinh, phát động phong trào xây dựng chi hội 3 không: Không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng; Không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thải phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường; Không đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường. Hội đã tiếp nhận 16 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ đặt ngoài đồng ruộng và đã tổ chức làm điểm ở Chi hội 1 đồng thời tổ chức tuyên truyền triển khai sâu rộng đến các chi hội, được đông đảo cán bộ, hội viên hưởng ứng tham gia thu gom về nơi quy định đã góp phần làm sạch môi trường ngoài đồng ruộng.

Phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" xây dựng "Gia đình nông dân văn hóa", tham gia xây dựng và thực hiện tốt quy ước làng văn hóa; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự an ninh thôn xóm, góp phần giữ vững danh hiệu Làng văn hóa ở cả 3 thôn. Đồng thời đẩy mạnh 3 phong trào hành động cách mạng lớn của Hội, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường.

Trong việc phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc, đại gia súc tạo ra một lượng nước thải khá lớn. Nguồn thải này có chứa nhiều hợp chất hữu cơ, virus và một số mầm bệnh, gây những nguy cơ và nguyên nhân trực tiếp phát sinh dịch bệnh cho đàn gia súc như dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm, thậm chí là lây lan một số bệnh cho người. Vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thâm canh lúa, rau màu và cây ăn quả đã gây ra những ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng cho nguồn nước ở nông thôn hiện nay. Vì vậy, nảy sinh nhiều vấn đề môi trường nông thôn rất đáng lo ngại, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống nhân dân.

Từ thực trạng trên Hội Nông dân xã đã phối hợp với  MTTQ cùng các ban, ngành, đoàn thể trong xã tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.Trong đó, tập trung vào việc ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ sinh học, sinh thái vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, vận động các chi hội thôn, thành lập tổ thu gom rác thải tại địa phương, đến nay cả 3 thôn ở 6 chi hội đều có tổ thu gom rác thải do hội viên nông dân đảm nhiệm thu gom rác sinh hoạt trong làng. Phối hợp các cơ quan tổ chức mở nhiều lớp chuyên đề truyền thông về kiến thức nước sạch - vệ sinh môi trường, tìm hiểu tác hại của rác thải, hướng dẫn hội viên phun thuốc diệt muỗi và côn trùng gây hại tại gia đình, thôn xóm; vận động các hộ gia đình chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ xây dựng hầm ủ khí sinh học bioga chuyển hoá phân thành khí đốt, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường đồng thời tuyên truyền hưởng ứng “Tết trồng cây” cải tạo vườn, trồng cây có giá trị kinh tế, cây bóng mát ở các khu công cộng tạo màu xanh giữ gìn môi trường. 

Công tác tuyên truyền vận động hội viên phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong những năm qua đã góp phần cùng đảng bộ và nhân dân địa phương hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định chính trị địa phương.

Bùi Thị Huế

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ân Thi

Lượt xem: 27

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân