Bạn đang ở đây

CXT 30 chinh phục đất bạc màu

(14.09.2015)

(Website HNDHY) - CXT 30 không những sống được ở vùng đất bạc màu mà còn tỏ ra vượt trội hơn các giống khác, ít bị sâu bệnh, tiết kiệm chi phí phân bón cũng như thuốc BVTV.

Xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vốn được biết đến là nơi có những cánh đồng đất bạc màu, không tự chủ về nguồn nước tưới tiêu. Có vụ, người dân cấy xong, chỉ cầu trời khấn Phật mong một cơn mưa.

Một vụ rồi hai vụ, giống lúa CXT 30 được trồng thử tại đây phát triển mạnh mẽ, vượt cả giống Khang dân 18. Người dân hồ hởi đón nhận nói: “Thật không thể tin nổi!”.

Trời mưa tầm tã không ngăn nổi bước chân của người dân 22 xã của huyện Hiệp Hòa đổ về xã Thường Thắng đi thăm cánh đồng lúa CXT 30. 7h sáng, cả đoàn người đội mưa, ùn ùn kéo ra cánh đồng. Lúa đã vào chắc, bông ngả vàng, hạt nặng trĩu trịt.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, thôn Đồng Tâm (xã Thường Thắng) bảo, vùng này đất đai bạc màu, cấy hái chủ yếu phụ thuộc nước trời nên canh tác rất khó khăn. Khi triển khai mô hình cấy giống CXT 30, ai nấy đều dè dặt.

Cấy xong, ông cùng các hộ xung quanh thuê máy, bơm nước từ các ao hồ gần đấy chống hạn. Lúa bám rễ, sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khỏe, ông Đoàn cũng như nhiều người mừng ra mặt. Những khoảnh ruộng cấy Khang dân 18 bên cạnh bị lép vế.

Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Tân Hiệp (xã Thường Thắng) thì bảo, ban đầu thấy có giống mới, chỉ nghĩ ừ thì trồng thử xem sao, đất xấu thế này chắc gì đã ăn thua. Nhưng đến vụ thứ hai, ông đã “mê” tít.

Bởi lẽ, CXT 30 không những sống được và còn tỏ ra vượt trội hơn các giống khác, ít bị sâu bệnh, tiết kiệm chi phí phân bón cũng như thuốc BVTV.

Bà Nguyễn Thị Bắc, thôn Chùa, xã Hòa Sơn (huyện Hiệp Hòa) kể, vì là giống mới, cũng chỉ dám trồng 1 sào 5 thước gọi là “thí nghiệm”. Thấy mảnh Khang dân 18 bên cạnh đã thỏ thẻ trỗ, bà Bắc lẩm bẩm: “Thôi, quả này mất ăn rồi”. Ai dè, CXT 30 trỗ sau nhưng vào chắc và chín nhanh hơn đến gần chục ngày. Một cú bứt tốc ngoạn mục.

Theo bà Bắc, ưu điểm của giống lúa rất ít bị sâu bệnh, cây cao chống đổ tốt. Cả vụ chiêm xuân, bà phun một lần duy nhất thuốc BVTV. Vụ mùa, sâu bệnh nhiều hơn thì 2 - 3 lần. Năng suất trung bình khoảng 2,3 tạ/sào.

“Giống này cũng đến lạ chú ạ, rất ít bị bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá. Có nhà bên cạnh còn không phun tí thuốc nào, lúa vẫn tốt bời bời, năng suất chẳng kém nhà tôi là mấy. Thật không thể tin nổi. Vụ sau mà còn làm mô hình, kiểu gì tôi cũng tham gia”, bà Bắc hồ hởi.

Ông Lưu Văn Duẩn, PGĐ Trung tâm Khoa học - công nghệ & môi trường huyện Hiệp Hòa cho biết, sau khi nghiên cứu rất kỹ đặc tính giống lúa CXT 30, đơn vị  quyết định đưa về địa phương để xây dựng mô hình.

Năm 2015, tại huyện Hiệp Hòa, diện tích lúa CXT 30 đạt khoảng 47 ha. Trong đó, vụ mùa đạt 30 ha, trồng thử tại 5 xã là Lương Phong, Hòa Sơn, Đại Thành, Thường Thắng và Đông Lỗ. Ngoài cấp giống, Trung tâm còn tổ chức các lớp tuận huấn kỹ thuật, cấp phát hàng nghìn bộ tài liệu hướng dẫn cho người dân tham gia.

Tại xã Thường Thắng, người dân chủ yếu cấy bằng mạ khay, mạ non 1 tuần tuổi. Mật độ trung bình 35 khóm/m2, 1 - 2 dảnh/khóm, khoảng cách 12 x 24 cm.

CXT 30 đã “chinh phục” thành công đất bạc màu

Theo ông Duẩn, đầu vụ, trời rất ít mưa nên cấy lúa gặp hạn, khi trỗ bông lại gặp mưa lớn kéo dài. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 nở đúng giai đoạn mưa bão rất khó phòng trừ. Trung tâm đã phải cử cán bộ chuyên trách theo dõi nắm bắt tình hình sâu bệnh để hướng dẫn người dân phòng trừ.

Qua mô hình có thể thấy, CXT 30 có khả năng sinh trưởng, phát triển hơn giống đối chứng Khang dân 18. Đặc biệt khả năng đẻ nhánh cao hơn Khang dân 18 khoảng 2,5 nhánh/khóm. Ngoài ra, TGST của giống CXT 30 cũng ngắn hơn từ 8 - 10 ngày.

Không chỉ ông Duẩn, ngay cả người dân các xã của huyện Hiệp Hòa đều cho rằng, đây mới là ưu điểm vượt trội nhất của CXT 30. Vụ mùa ngắn sẽ giúp thời gian làm cây vụ đông sớm hơn, chắc chắn năng suất sẽ cao hơn so với trồng muộn.

Năng suất thực thu của CXT 30 đạt 2,3 tạ/sào, cao hơn Khang dân 18 khoảng 40 kg/sào. Nếu như hạch toán kinh tế, CXT 30 vẫn cho lợi nhuận cao hơn khoảng 6,5 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, CXT 30 vẫn còn những nhược điểm như vỏ trấu mỏng, hạt dễ bị nảy mầm khi gặp mưa, độ ẩm cao. Thứ hai là màu gạo hơi bị xám. Về vấn đề này, PGS.TS Tạ Minh Sơn, tác giả của giống CXT 30 cho rằng, nếu biết cách khắc phục, đây sẽ biến thành một ưu điểm nữa.

Theo đó, để tránh việc này mầm, người dân nên thu sớm hơn vài ngày, khi lúa chín tới. Sau khi thu hoạch, đem phơi, sấy ngay, hạt gạo sẽ trong, ngon hơn.

Th.S Nguyễn Thị Tuyết, đồng tác giả cho biết, không chỉ ở Bắc Giang, giống CXT 30 đã và đang được trồng ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Từ vùng Tây Bắc khó khăn hiểm trở cho tới các vùng ven biển, đảo như Cô Tô (Quảng Ninh), Giao Thủy (Nam Định), CXT 30 vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.

Định hướng, sau khi được công nhận chính thức và trồng đại trà, CXT 30 sẽ được xây dựng trở thành thương hiệu gạo xuất khẩu.

 

Theo NNVN

Lượt xem: 2

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân