Bạn đang ở đây

Hoạt động nổi bật của lãnh đạo Chính phủ trong tuần

(20.07.2015)

(Website HNDHY) - Những hoạt động đối ngoại sôi động, định hướng lớn trong công tác xây dựng hạ tầng hiện đại, nông thôn mới, phòng chống tội phạm, xây dựng nền điện ảnh theo kịp thời đại,... là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trong tuần qua.

* Nếu thực sự việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường và đời sống của nhân dân thì không nên làm - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cùng chung quan điểm này tại buổi hội đàmtrong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc nội bộ của Thủ tướng Lào tại Việt Nam.

Đây là một trong những việc thể hiện sự coi trọng và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đang ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Với tinh thần này, hai Thủ tướng đã trao đổi và nhất trí cao các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam hết sức ủng hộ việc khai thác thủy điện để phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Tuy nhiên, Việt Nam là nước cuối nguồn sông Mekong, cuộc sống của 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước Mekong. Do vậy, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề sống còn này; đồng thời mong muốn các bạn Lào chia sẻ, thấu hiểu sự quan tâm, lo lắng của Việt Nam.

Về vấn đề này, Thủ tướng Thongsing Thammavong bày tỏ nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục trao đổi cũng như sẽ cùng lắng nghe kết quả Nghiên cứu chung về tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong dự kiến công bố vào tháng 12/2015. “Nếu thực sự việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường và đời sống của nhân dân thì nhất định chúng ta không nên làm”, Thủ tướng Thongsing Thammavong nói.

* Tại cuộc gặp cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về giảm nghèo bền vững thông báo với Thủ tướng Thongsing Thammavong về vấn đề giảm nghèo bền vững tại Việt Nam, qua 4 giai đoạn đã đưa đến kết quả là tỷ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,97% năm 2014, (bình quân giảm 2%/năm); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân khoảng 6%/năm, vượt so với mục tiêu của Chính phủ đề ra là 4%/năm.

Thủ tướng Thongsing Thammavong đánh giá cao kinh nghiệm giảm nghèo của Việt Nam và cho biết Chính phủ Lào sẽ cử cán bộ sang tìm hiểu cụ thể hơn về các mô hình giảm nghèo ở các địa phương của Việt Nam để nghiên cứu và áp dụng tại Lào.

* Tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ đang thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong năm hai nước Việt Nam, Trung Quốc kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; quan hệ hai nước đang trên đà cải thiện và phát triển tích cực, lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là hai nước láng giềng, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 65 năm qua có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị vẫn luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hợp tác hữu nghị với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc và luôn xác định đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị hai nước cần tăng cường hợp tác hữu nghị, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để tập trung hợp tác phát triển. Đây là lợi ích chung căn bản, to lớn và lâu dài của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ khẳng định, Trung Quốc luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, sẽ nỗ lực hết mình để cùng với Việt Nam đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. “Mục đích chuyến thăm Việt Nam của tôi là cùng với các đồng chí Việt Nam triển khai những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đó là tăng cường hữu nghị, tin cậy chính trị; xử lý thỏa đáng bất đồng, hợp tác thực chất, cùng có lợi, cùng thắng, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài”, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ phát biểu.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xử lý thỏa đáng các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển của hai nước và của khu vực.

Thủ tướng đề nghị, hai bên triển khai hiệu quả cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan; tích cực triển khai đầy đủ những lĩnh vực hợp tác đã nhất trí, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; đồng thời nhấn mạnh hai bên cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất; không mở rộng tranh chấp, không làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình; kiểm soát hiệu quả mọi bất đồng và cùng nhau hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, trao đổi về việc triển khai hiệu quả, thiết thực các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định.

Hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hợp tác thực chất cùng có lợi trên các lĩnh vực, đưa hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ổn định, cân bằng, lành mạnh. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án về cơ sở hạ tầng, phát triển y tế-giáo dục ở các tỉnh biên giới....

Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí nghiêm túc tuân thủ các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); xử lý thỏa đáng các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển; góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững.

* Các bộ, ngành, địa phương cần xác định phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị thường xuyên liên tục. Trong đó, cấp uỷ, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, Chính phủ nếu để tội phạm xảy ra và lộng hành trên địa bàn - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 của Ban Chỉ đạo.

Đặc biệt, mỗi địa phương cần có chương trình cụ thể để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm; đổi mới và nâng cao một bước công tác phòng chống tội phạm của lực lượng chức năng.

* Dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thủ trưởng, cán bộ các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thi hành Luật Tiếp công dân, phải coi đây là việc thường xuyên, hằng ngày để bảo đảm công tác tiếp công dân sâu sát, hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo địa phương nào quan tâm đến công tác tiếp dân thì địa phương đó giải quyết rất tốt việc khiếu nại, tố cáo.

* Thị sát thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý, các nhà thầu đôn đốc, khẩn trương trong thi công theo đúng kế hoạch góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giao thông đô thị trong thời gian tới; đồng thời phải bảo đảm an toàn công trường, an toàn lao động, tính toán giảm thiểu ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt của người dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến xử lý một số vấn đề vướng mắc trong triển khai các tuyến còn lại, tạo sự đồng bộ trong xây dựng hệ thống giao thông hiện đại ở TP đông dân và sôi động nhất trong cả nước.

* Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí nông thôn mới để phù hợp với thực tiễn. Trước mắt các bộ rà soát lại các tiêu chí, tiếp tục hướng dẫn địa phương triển khai vận dụng cho thuận tiện, nhưng không được hạ tiêu chuẩn của tiêu chí nông thôn mới.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên phân bổ kinh phí, nguồn lực cho vùng khó khăn xây dựng nông thôn mới.

* Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với những đánh giá, nhận định tình hình hoạt động điện ảnh nước nhà, và những thách thức đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đa phương tiện, ảnh hưởng trực tiếp tới điện ảnh.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những kỳ vọng của khán giả về một nền điện ảnh chuyên nghiệp, giàu bản sắc và hội nhập với ngày càng nhiều tác phẩm hay, mang tính thời cuộc, có tính giáo dục cao; trước hết là các tác phẩm điện ảnh ngày càng bớt sạn, không còn những tình tiết quá dễ dãi, dung tục, phản cảm, phản giáo dục. Và nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, điện ảnh nước nhà cũng sẽ lạc điệu, không chỉ với điện ảnh thế giới mà ngay với cuộc sống sôi động trong nước.

 

Theo chinhphu.vn

Lượt xem: 2

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân