Bạn đang ở đây

Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên thực hiện ủy thác với Ngân hàng chính sách góp phần tích cực trong hoạt động công tác Hội.

(04.04.2015)

Trong những năm qua, trong mục tiêu giảm nghèo bền vững cho nông dân nói chung, hội viên nông dân nói riêng đã được các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên quan tâm triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó việc tạo nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia đình thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoạt động ủy thác đã phát huy được những điểm mạnh của một bên là Ngân hàng - tổ chức tài chính chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay và thu hồi vốn vay theo quy định; một bên là tổ chức Hội có mạng lưới ở tất cả các địa bàn, cùng góp sức trong tuyên truyền chủ trương chính sách; bình xét cho vay; hướng dẫn, giám sát sử dụng vốn vay và vận động, đôn đốc hoàn trả vốn, lãi. Trong đó lấy việc phục vụ hội viên Hội Nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là động lực chính, chúng tôi đã xác định Chương trình hỗ trợ vốn thông qua các hoạt động tín chấp, ủy thác tín dụng cho hội viên nông dân vay vốn là một nội dung trọng tâm, thiết thực của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các văn bản liên tịch của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng CSXH Việt Nam; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh ký Văn bản liên tịch triển khai hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Văn bản liên tịch, Văn bản thỏa thuận và Hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng CSXH và các Văn bản hướng dẫn của Hội cấp trên đặc biệt là việc triển khai thực hiện 6 công đoạn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng cường củng cố xây dựng nâng cao chất lượng của các tổ tiết kiệm và vay vốn; tích cực thực hiện việc kiểm tra để kịp thời xử lý những tồn tại hạn chế nhất là khi có các hộ nợ quá hạn. Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng tổ chức triển khai thực hiện tốt việc giải ngân, quản lý, sử dụng vốn nên tốc độ tăng trưởng dư nợ ủy thác cho vay liên tục tăng qua các năm.

Nếu như năm 2010 nguồn vốn nhận ủy thác của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh là 423 tỷ đồng cho 39.237 hộ vay thì đến nay các cấp Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác thông qua 7 chương trình cho vay ủy thác với tổng số vốn nhận uỷ thác là 635,6 tỷ đồng ( tăng 50,2% so với năm 2010) cho 30.603  hộ vay tại 1.156 tổ tiết kiệm vay vốn của 10 huyện, thành phố; đã huy động hơn 14 tỷ đồng tiết kiệm từ các thành viên của tổ. Trong đó dư nợ cho vay từ chương trình cho vay  đối với hộ nghèo là 171,9 tỷ đồng cho 7.108 hộ vay, từ chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo là 108,6 tỷ đồng cho 4.275 hộ vay. Qua các hoạt động tín chấp cho vay Hội Nông dân các cấp đã giúp ngân hàng thực hiện chức năng tín dụng kịp thời chuyển tải vốn đến Hội viên nông dân theo các chủ trương của Đảng, Chính phủ, góp phần giúp ngân hàng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời cũng góp phần tạo điều kiện thu hút đông đảo nông dân vào Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xứng đáng vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, hoạt động của TK&VV dần dần được củng cố, khả năng quản lý của cán bộ tổ ngày càng được nâng lên. Hoạt động kiểm tra được hai ngành quan tâm thực hiện, thông qua hoạt động kiểm tra đã động viên, khuyến khích các đơn vị thực hiện đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, những vấn đề phát sinh, khó khăn được kịp thời thông tin, trao đổi và bàn biện pháp khắc phục, chính vì vậy tình trạng nợ quá hạn của Hội Nông dân đã giảm đáng kể, năm 2014 nợ quá hạn đã giảm 49% so với năm 2013, đã tạo uy tín và nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Ngân hàng CSXH với Hội Nông dân các cấp.

Ngoài việc hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn, các cấp Hội đã chủ động lồng ghép hoạt động vay vốn với đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ, vận động nông dân mạnh dạn ứng dụng Khoa học kỹ thuật giúp nông dân sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Kết quả hàng năm các cấp Hội đã tổ chức trên 700 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 60.000 lượt hội viên nông dân.

Từ những hoạt động trên đã tạo ra sức lan tỏa, cuốn hút các hộ nghèo tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm quen với sản xuất hàng hóa,sử sụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Thông qua nguồn vốn vay đã giúp cho hội viên nông dân có nguồn lực đáng kể để đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Đã có nhiều hộ nông dân nhờ nguồn vốn vay đã đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm trồng cây có giá trị kinh tế cao tham gia các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương như mô hình trồng chuối, trồng cây ăn quả, cây có múi, hoa cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản...  Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đến với nông dân và phát huy tác dụng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, hàng năm đã có trên 73.000 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, các cấp Hội đã giúp đỡ trên 2000 hộ nông dân đã thoát nghèo nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh, giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 4% năm 2014 (theo chuẩn mới).

Tuy nhiên trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác của các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục đó là:  

- Một số nơi việc bình xét cho vay còn thiếu dân chủ; vẫn còn tình trạng vay hộ; vay ké, sử dụng vốn sai mục đích; chiếm dụng vốn nếu không kiểm tra thường xuyên sâu sát dễ tái xảy ra; tình trạng nợ quá hạn vẫn còn. Một số cơ sở việc duy trì sinh hoạt tổ còn chưa thường xuyên, năng lực cán bộ tổ còn hạn chế, sổ sách theo dõi còn chưa khoa học.

- Công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc của các cấp Hội đôi lúc chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác quản lý của một số cán bộ Hội còn hạn chế, lúng túng do vậy chưa kịp thời phát hiện sai sót, chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc.

Để chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và NHCSXH thực sự có hiệu quả Hội Nông dân tỉnh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng sau:

Một là: Tiếp tục công tác tuyên truyền  cho toàn thể cán bộ, hội viên nắm được mục đích, ý nghĩa của việc cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trách nhiệm của người sử dụng vốn vay. Tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ủy thác, đảm bảo thực hiện đầy đủ những nội dung liên tịch và thỏa thuận đã ký với NHCSXH.

Hai là: Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, chú trọng khâu lựa chọn người có uy tín kinh nghiệm làm tổ trưởng vay vốn, xét duyệt đối tượng cho vay bảo đảm khách quan dân chủ, giám sát, việc kiểm tra sử dụng vốn vay của các hộ, đôn đốc các hộ vay trả nợ gốc và phí khi đến hạn.

Ba là: Tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp với NHCSXH thường xuyên tổ chức tập huấn về quản lý tín dụng, ghi chép sổ sách cho cán bộ hội và tổ trưởng các tổ TK&VV nhằm nâng cao năng lực trong việc quản lý nguồn vốn vay. Các cấp Hội phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT và xây dựng nhiều mô hình, dự án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra của Hội cấp trên với Hội cấp dưới về tổ chức thực hiện ủy thác đảm bảo Hội Nông dân cấp tỉnh kiểm tra 100% huyện, thành Hội ít nhất 02 lần/năm, Hội Nông dân cấp huyện kiểm tra 100% Hội Nông dân cấp xã và các tổ TK%VV theo quy định.

Năm là: Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả. Triển khai lồng ghép hoạt động với Ngân hàng CSXH với các chương trình dự án của Hội và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và từng địa phương. Chỉ đạo xây dựng các mô hình hỗ trợ cho nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác có sự hướng dẫn, tư vấn của Hội

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đề nghị Chính phủ và NHCSXH Trung ương sớm có giải pháp xử lý dứt điểm nợ khó đòi (chủ nợ không còn hoặc đã chết) không có người nhận nợ, không có khả năng trả nợ, rủi ro phát sinh do nguyên nhân khách quan đã có văn bản trình. Đề nghị Ngân hàng CSXH tăng mức vốn ủy thác qua tổ chức Hội Nông dân. Tiếp tục cho vay vốn thêm 01 chu kỳ nữa đối với các hộ vừa thoát nghèo để tạo điều kiện cho nông dân có vốn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho vay và thông tin thường xuyên hơn cho Hội Nông dân các cấp các chính sách tín dụng ưu đãi  mới, các văn bản mới.

Có thể khẳng định rằng: Thông qua việc thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội là điều kiện để Hội tập hợp, đoàn kết nông dân, hoạt động của Hội thực chất và hiệu quả hơn. Việc thực hiện dịch vụ ủy thác, với phí hoa hồng được hưởng của các tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội Nông dân các cấp đặc biệt ở cơ sở đã có thêm nguồn lực đáng kể để các cấp Hội có thêm kinh phí hoạt động, có điều kiện để thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình công tác của Hội, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hội viên thêm gắn bó, tin tưởng ngày càng đến với Hội nhiều hơn, đã thu hút thêm 6000 nông dân tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội, đưa tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên trên 201 ngàn hội viên; 147/159 cơ sở Hội đạt vững mạnh, 12 cơ sở đạt khá, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời trình độ của cán bộ Hội được nâng lên rõ rệt về năng lực quản lý nhà nước, quản lý tài chính, tín dụng của đội ngũ cán bộ Hội các cấp phát huy được vai trò, nhiệm vụ của Hội là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân xứng đáng là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

                                                            

Trần Thị Tuyết Hương

Tỉnh ủy viên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Lượt xem: 322

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân