Bạn đang ở đây

Những "nhà sáng chế" trẻ ở Hưng Yên

(12.01.2016)

(Website HNDHY) - Tuy còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng nhiều học sinh, sinh viên ở Hưng Yên sớm say mê, sáng tạo nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) và bộc lộ năng khiếu trong sáng chế.

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên là tên tuổi đã trở nên quen thuộc và trở thành “thương hiệu” khi được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Năm 2015, lần đầu tiên thử sức nhưng nhóm sinh viên của trường đã mang về chức vô định cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ở Indonesia. Là sân chơi hấp dẫn, mỗi năm cuộc thi sáng tạo robocon đã thu hút trên 100 sinh viên trong trường tham gia. 

Trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học thường chỉ dành cho sinh viên bậc học đại học và cao đẳng, việc khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở học sinh trung học bị "lãng quên". Từ năm học 2012 - 2013, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học (THCS và THPT) được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức đã khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo KHKT và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, có tính ứng dụng cao, từng bước hình thành năng lực sáng tạo cho học sinh bậc trung học.

Đối với Tạ Hoàng Bảo Việt, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Khoái Châu (Khoái Châu), nghiên cứu KHKT đã trở thành niềm đam mê ngay từ khi còn nhỏ. 

Mới đây em đã chế tạo thành công sản phẩm “Hệ thống làm mát bằng tháp bay hơi”. Với cấu tạo gồm hơn 80 linh kiện, trong đó chủ yếu là các thiết bị đã qua sử dụng, với sự khéo léo và thông minh, Việt đã lắp ráp thành khối thiết bị nặng khoảng 10kg có tác dụng làm mát với hiệu năng tương đối cao và tốc độ làm mát nhanh. Do sử dụng nước làm dung môi tải nhiệt, nên thiết bị của em không gây ô nhiễm môi trường, không gây cháy nổ, dễ dàng bảo dưỡng. 

Với sáng chế này, em đã xuất sắc giành giải nhất lĩnh vực và giải nhì chung cuộc trong cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2015 - 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức và được chọn tiếp tục tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Đặc biệt, toàn bộ các khâu thực hiện dự án này từ lên ý tưởng, tìm mua linh kiện cho đến lắp ráp… đều do một mình Việt đảm nhận. 

Việt cho biết: “Vì không có bạn hỗ trợ nên trong quá trình thực hiện dự án em đã gặp rất nhiều khó khăn, có lúc em nghĩ sẽ phải bỏ cuộc nhưng được gia đình, thầy cô động viên, giúp đỡ nên em đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm này còn thô, em sẽ chau chuốt lại để sản phẩm có tính thẩm mỹ hơn và nghiên cứu thêm chức năng điều khiển thiết bị qua mạng bằng máy vi tính hoặc điện thoại thông minh”.

Đến làng nghề sản xuất miến dong ở thôn Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ), điều dễ nhận thấy bên cạnh không khí lao động sản xuất tất bật của người dân là cảnh nước thải ở tất cả cống rãnh thoát nước có màu đen kịt, bốc mùi xú uế… Từ những khó khăn của người dân trong sản xuất miến, hai học sinh Vũ Minh Hải và Dương Thị Phương Anh, Trường THPT Triệu Quang Phục (Yên Mỹ) đã nghiên cứu thành công mô hình túi biogas xử lí nước thải làm miến. 

Thực chất của phương pháp này là nhờ hoạt động sống của vi sinh vật để biến đổi các hợp chất hữu cơ có trong nước thải, làm sạch nước thải của làng nghề. So với các biện pháp khác, biện pháp này có ưu điểm hơn về quy mô cũng như chi phí đầu tư, đặc biệt không gây tái ô nhiễm môi trường.

Em Vũ Minh Hải, học sinh lớp 12A1, Trưởng nhóm dự án cho biết: “Trong quá trình triển khai ý tưởng chúng em đã gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế, nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy, cô giáo và việc kết hợp nghiên cứu thực tế, sáng tạo với vận dụng kiến thức liên môn vào nghiên cứu, chúng em đã hoàn thiện mô hình. Cuộc thi đã giúp em trưởng thành hơn rất nhiều, giúp em mở mang nhiều kiến thức trong sách vở, có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng “mềm” để em tiến gần hơn đến ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai”.

Sau 4 năm tổ chức, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh đã nhận được hơn 140 dự án của hàng trăm học sinh trung học trên địa bàn tỉnh tham gia. Đa số các đề tài có tính sáng tạo cao và đã được các em chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. 

Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng Phòng Giáo dục trung học – Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Phong trào sáng tạo KHKT trong học sinh trung học đã góp phần đổi mới phương thức dạy và học, phát triển năng lực nghiên cứu, sáng tạo của học sinh nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị thiết thực trong sản xuất và đời sống. Thành công của cuộc thi không chỉ ở số lượng đề tài phong phú mà còn thể hiện qua sự nhiệt tình, tính chủ động, sự say mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Phong trào này đang được ngành giáo dục tiếp tục quan tâm nhằm giúp học sinh thực hiện tốt phương châm “học đi đôi với hành”, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

 

Theo Baohungyen.org.vn

Lượt xem: 15

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân