Bạn đang ở đây

Nông dân Hưng Yên chăm sóc, bảo vệ vật nuôi mùa nắng nóng

(06.06.2016)

(Website HNDHY) - Theo tổng hợp của các huyện, thành phố, hiện nay đang là thời điểm đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đạt tổng đàn cao nhất. Mật độ chăn nuôi trong các chuồng trại cũng tăng cao. Bước vào mùa nắng nóng, người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để chăm sóc, bảo vệ gia súc, gia cầm, bảo đảm chất lượng và hiệu quả chăn nuôi.

Hầu hết các loại gia súc, gia cầm đang được chăn nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay đều rất nhạy cảm với thời tiết nắng nóng và cần lưu ý trong chăm sóc, nuôi dưỡng. 

Đối với lợn thường mắc các bệnh như: Tả, tụ huyết trùng, tiêu chảy cấp, tai xanh. Bò thường mắc bệnh cảm nắng, cảm nóng, khó tiêu, tụ huyết trùng. Gia cầm thường mắc các bệnh: Cúm, ăn không tiêu, hen… Dù là bệnh do vi khuẩn, vi rút hay do kém thích ứng với thời tiết nắng nóng gây ra đều nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng phát triển của vật nuôi, khiến vật nuôi chết hoặc chậm lớn, giảm chất lượng thịt, trứng, sữa khi khai thác.

Ngay từ đầu mùa nắng nóng, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật đã được người chăn nuôi tiến hành tích cực, chủ động. 

Anh Vũ Văn Nghĩa, người nuôi lợn thịt tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Từ đầu năm đến nay giá bán lợn thương phẩm ổn định nên hiện cả 5 ô chuồng nuôi lợn của gia đình tôi đều đang hoạt động hết công suất. Để phòng, chống nắng, nóng cho đàn lợn, gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư cần thiết và đã đưa vào sử dụng từ nhiều ngày nay. Do chưa có điều kiện xây dựng chuồng khép kín, gia đình tôi quyết định sử dụng ô chuồng thoáng, giảm tối đa lượng nhiệt tích tụ trong chuồng. Bốn góc chuồng sử dụng quạt điện, xung quanh che lưới đen tránh nắng, trên mái phun nước làm mát. Một ngày tôi rửa chuồng 2 lần, vừa làm sạch, vừa làm mát cho đàn lợn”. 

Nhờ cách làm này, tất cả các ô chuồng nuôi lợn của gia đình anh Nghĩa đều thoáng sạch, thông gió, nước làm mát được bơm trên mái liên tục trong những giờ nắng nóng. Qua theo dõi đàn lợn vẫn ăn uống, hấp thụ thức ăn tốt, tăng trọng ổn định, chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm.

Qua ghi nhận ở các hộ chăn nuôi lợn khác trên địa bàn tỉnh, các hộ chăn nuôi quy mô lớn vào mùa nắng nóng thường sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín, lắp đặt hệ thống quạt thông gió, bảo đảm nhiệt độ trong chuồng giữ ở mức dưới 30oC. Với hệ thống chuồng trại được đầu tư theo tiêu chuẩn này, người chăn nuôi có thể yên tâm hơn về việc chủ động nền nhiệt trong chuồng, có thể duy trì mật độ đàn lợn như ý. Tuy nhiên chi phí cao do phải xây dựng chuồng trại quy mô, đúng kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị, duy trì ổn định nguồn cấp điện. Để đầu tư hệ thống làm mát cho chuồng nuôi khép kín, người chăn nuôi phải đầu tư từ 70 đến trên 100 triệu đồng/1 hệ thống, tùy quy mô. 

Đối với chăn nuôi bò trong mùa nắng nóng, các biện pháp áp dụng đơn giản, ít chi phí hơn, song nếu không chống nắng, nóng đúng cách và kịp thời bò rất dễ bị cảm nắng, cảm nóng. Theo kinh nghiệm của người nuôi bò nhiều năm, bò càng có thể trọng to lớn, càng chịu nắng, nóng kém. Khi nhiệt độ ngoài trời trên 35oC, người nuôi bò sẽ dừng việc chăn thả, cho bò trú ngụ vào nơi râm mát, cung cấp đủ cỏ tươi và nước uống sạch. 

Với hộ nuôi bò nhốt chuồng, vào mùa hè người chăn nuôi cần tháo bỏ toàn bộ bao, bạt che phủ chuồng trại, chỉ che nắng bên trên và hướng mặt trời soi, bảo đảm chuồng trại thông thoáng, mát mẻ. Các hộ chăn nuôi thường lựa chọn những vị trí như: Dưới tán cây, cạnh ao, hồ… để xây dựng chuồng nuôi bò, tạo môi trường thoáng mát hơn. Một biện pháp hạ nhiệt cho đàn bò là cung cấp dồi dào nguồn cỏ tươi xanh, đây là nguồn bổ sung nước tự nhiên, vi ta min, khoáng chất, chất xơ tốt nhất cho bò. 

Không chỉ với gia súc, gia cầm cũng cần được chống nắng, nóng, nhất là gà. Do cơ địa nóng, mùa hè gà dễ bị ốm, chết. Để tạo môi trường thuận lợi cho đàn gà, người chăn nuôi quy mô lớn cũng áp dụng chuồng nuôi khép kín sử dụng quạt thông gió như với chuồng nuôi lợn, còn hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ áp dụng hình thức nuôi thả vườn, tận dụng gốc cây, giàn che để gà có nơi ăn, uống mát mẻ, tránh, trú nắng.

Ngoài việc làm mát chuồng nuôi, người chăn nuôi còn cần bảo đảm việc cung cấp đủ thức ăn, nước uống sạch và bổ sung vi ta min, khoáng chất cho vật nuôi. Vào mùa nắng nóng, các loại vi ta min, khoáng chất thường được bổ sung vào thức ăn cho gia súc, gia cầm như: Chất điện giải, vi ta min C, B1, B12… Một mặt “giải nhiệt” cho vật nuôi từ bên trong, mặt khác kích thích vật nuôi ăn, uống, điều hòa tiêu hóa…

Trước khi bước vào mùa nắng nóng, biện pháp hữu hiệu được ngành Thú y khuyến cáo nông dân là bảo đảm tất cả vật nuôi được tiêm phòng những bệnh nguy hiểm, tiến hành vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi định kỳ hàng tuần, giảm thiểu nguy cơ vật nuôi mắc các dịch bệnh truyền nhiễm. 

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Khi phát hiện vật nuôi có các biểu hiện: Bỏ ăn, mắt lờ đờ, không đứng vững, thân nhiệt cao rất có thể đã bị cảm nắng, cảm nóng, cần được sơ cứu nhanh thông qua hạ nhiệt bằng nước ấm, bơm thuốc điện giải và can thiệp thú y khác. Tăng cường theo dõi, thông tin ngay cho cán bộ thú y cơ sở khi phát hiện vật nuôi mắc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tai xanh, cúm gia cầm… để có biện pháp xử lý kịp thời. Bảo đảm chuồng trại, môi trường chăn nuôi thoáng, sạch, mát, cung cấp đủ thức ăn phù hợp và nước uống sạch cho vật nuôi”.

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân