Bạn đang ở đây

Nông dân Thái Lan luôn 'lắng nghe' đất

(08.07.2016)

(Website HNDHY) - Ở Thái Lan, trước khi SX trên vùng đất mới hay chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác, nông dân đều làm kiểm nghiệm đất để biết trong đất có những chất gì...

Ở Thái Lan, trước khi SX trên vùng đất mới hay chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác, nông dân đều làm kiểm nghiệm đất để biết trong đất có những chất gì, thiếu chất gì, thừa chất gì, có phù hợp với loại cây họ sẽ trồng không, sau đó bổ sung dinh dưỡng cho đất. Nhờ đó, trong quá trình SX giảm được chi phí đầu vào mà năng suất luôn cao.

Đi dọc cố đô Ayutthaya (Thái Lan), nhìn đồng ruộng ở đây tôi không hề thấy bờ. Trên cánh đồng rộng đến hàng chục ha tôi chỉ thấy có 1 nông dân “bám đồng” cùng với những chiếc máy cơ giới để phục vụ SX. Cây trồng ở đây chủ yếu là ngô (bắp) và sắn (mì).

Cũng như ở các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ Việt Nam, Thái Lan trong mùa nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, những cánh đồng ngô, sắn ở đây đều xanh mướt, phát triển rất sung mãn. Hỏi ra thì biết, mỗi hộ nông dân ở đây đều sở hữu diện tích đất SXNN rất lớn nên họ cơ giới hóa toàn bộ các công đoạn SX.

Trước khi tổ chức SX trên những vùng đất mới hoặc chuyển đổi cây trồng, nông dân ở đây mời cơ quan chuyên môn đến lấy mẫu đất để làm kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả, cơ quan chuyên môn sẽ cung cấp cho nông dân 1 quy trình SX phù hợp với loại cây sẽ trồng trên vùng đất đó, nông dân cứ thế mà áp dụng. Nhờ biết “lắng nghe” đất nên SXNN ở Thái Lan luôn cho hiệu quả cao.

Theo Tiến sĩ Jutarut Jautaboon (41 tuổi), người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu đất và nước của Tập đoàn CP Thái Lan, ngoài phục vụ nội bộ, trung tâm này còn phục vụ rộng rãi cho nông dân trong nước. Trước khi trồng bất cứ loại cây gì, các chủ trang trại và các nông trường đều đến trung tâm này để yêu cầu được làm kiểm nghiệm đất.

Trung tâm sẽ cho cán bộ kỹ thuật đến vùng đất đó lẫy mẫu, đây là công đoạn quan trọng nhất trong việc kiểm nghiệm, bởi nếu lẫy mẫu đất không đúng quy trình kết quả cho ra sẽ bị sai lệch.

Những cánh đồng “không bờ” ở Thái Lan

Sau khi có mẫu đất, cán bộ kỹ thuật ở đây sẽ phân tích trong đất đang có những chất gì, đối với loại cây sẽ trồng đang bị thiếu những chất gì. Kết quả này sẽ được chuyển sang bộ phận khác để các chuyên gia đầu ngành đưa ra quy trình SX phù hợp, nông dân cứ thế mà thực hiện.

Tiến sĩ Jutarut Jautaboon đưa ra ví dụ: “Đối những vùng đất lúa, sau khi biết trong đất đang thiếu và thừa những chất gì khi trồng loại cây này, chúng tôi sẽ đưa ra cho nông dân quy trình bón phân cụ thể về liều lượng và thời điểm. Làm theo hướng dẫn, nông dân chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Từ kết quả kiểm nghiệm, chúng tôi có thể đưa ra công thức bổ sung dinh dưỡng cho đất để cây trồng có thể chịu phèn và chịu hạn tốt hơn”.

Phó Tiến sĩ Sucharya Javoenseng, người phụ trách bộ phận kiểm nghiệm đất của trung tâm, cho biết thêm: Hoạt động của trung tâm là công việc bắt buộc để phục vụ cho ngành nông nghiệp Thái Lan. Ngoài phục vụ trong nước, hiện việc kiểm nghiệm đất cũng đang được thực hiện tại Việt Nam phục vụ cho ngành SX hạt giống cây trồng của tập đoàn.

Trong những chương trình SX hạt giống ngô tại Việt Nam, trung tâm đã tiến hành kiểm nghiệm nhiều mẫu đất từ bên Việt Nam đưa về để cung cấp các phương pháp SX nhằm làm giảm chi phí và cho kết quả cao.

 “Ở Việt Nam có nhiều vùng đất khác nhau, thời tiết khác nhau, mùa vụ khác nhau, chất lượng nước tưới khác nhau. Do đó, việc kiểm nghiệm đất phải được tiến hành kỹ lưỡng thì mới cho ra kết quả chuẩn xác được. Nhờ áp dụng giải pháp kiểm nghiệm đất, bộ phận SX hạt giống ngô của Tập đoàn CP Thái Lan tại Việt Nam đã giảm được 20% chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận lên được 30% so với những vùng SX ngô bên ngoài nhờ giảm được 600 - 700kg phân bón/ha nhưng cây ngô vẫn phát triển tốt”, Phó Tiến sĩ Sucharya Javoenseng cho hay.

Cũng theo Phó Tiến sĩ Sucharya Javoenseng, trong một lần kiểm nghiệm 6 chất cơ bản trong đất như N, P, K, chỉ số pH… nông dân Thái Lan sẽ chỉ tốn phí có 700.000 VNĐ là cầm được trong tay 1 quy trình SX phù hợp, kết quả mỗi mẫu đất kiểm nghiệm có thể áp dụng cho từ 6 - 10ha.

Ông Wara, Tổng GĐ Tập đoàn CP Việt Nam, cho biết thêm: “Qua nhiều năm làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy chỉ số pH trong đất ở Việt Nam rất kém, thế nhưng nông dân không quan tâm đến việc xử lý đất trước khi gieo trồng nên trong quá trình SX đã lãng phí lượng lớn phân bón mà cây trồng phát triển không như mong muốn. Vì nếu không xử lý đất thì bón bao nhiêu phân cũng không có tác dụng, sống trên đất đó bộ rễ của cây trồng đã bị tổn thương, không hấp thụ phân bón được”.

 

Theo NNVN

Lượt xem: 5

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân