Bạn đang ở đây

Ba danh họa Hưng Yên được trao giải thưởng Hồ Chí Minh

(06.09.2016)

(Website HNDHY) - Trong lĩnh vực hội họa, Hưng Yên có ba họa sỹ trong số 18 họa sỹ của cả nước được giải thưởng Hồ Chí Minh và được nhà nước đúc tượng lưu danh. Đó là các danh họa Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên và Lê Quốc Lộc. Ngoài tài năng, cá tính, tư duy sáng tạo và lòng đam mê, cả 3 danh họa quê xứ Nhãn đều tỏa sáng trong giai đoạn lịch sử oanh liệt của dân tộc với những tác phẩm thấm đẫm tinh thần dân tộc.

Danh họa Tô Ngọc Vân, sinh năm 1906, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang). Ngay từ những năm học trong trường Mỹ thuật Đông Dương, ông dành tâm sức nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam, ông được xếp vào bộ "Tứ" họa sĩ tài danh thời bấy giờ - “nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn” (đó là các họa sỹ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn). Thông qua các tác phẩm, ông cố gắng diễn tả vẻ đẹp duyên dáng của người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ. 

Kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. "Thiếu nữ bên hoa huệ" mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi... về phía lọ hoa huệ trắng. Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn dịu nhẹ. Với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, cách sử dụng màu điêu luyện, "Thiếu nữ bên hoa huệ" thể hiện thần tình sự mềm mại gợi cảm của đường cong thiếu nữ và còn độc đáo ở cách họa sĩ sử dụng kỹ thuật gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng vô cùng tự nhiên trên má thiếu nữ…

Tuy được đào tạo theo trường phái hội họa Tây Âu, nhưng họa sỹ Tô Ngọc Vân thấu cảm hội họa bằng tâm hồn thấm đẫm tinh thần dân tộc, chính điều này đã làm cho tranh sơn dầu của ông có màu sắc riêng, độc đáo. Ông sớm đoạt Huy chương Vàng ở triển lãm các nước thuộc địa tại Pháp, với bức sơn dầu "Bức thư". Tiếp theo đó là một loạt các sáng tác khác, cho đến nay đã thuộc vào kho báu nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại như: Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ bên hoa huệ, Gia đình Việt Nam, Dưới bóng nắng, Buổi trưa, Hai thiếu nữ và em bé... 

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một chân trời mới, một hướng đi mới cho nghệ sỹ Việt Nam nói chung và họa sỹ Việt Nam nói riêng. Như nhiều nghệ sỹ mang tinh thần dân tộc khác, Tô Ngọc Vân đã tích cực tham gia cách mạng bằng chính nghề nghiệp của mình: Ông vẽ tranh cổ động tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân. Năm 1946, ông được cử lên Việt Bắc, công tác tại đội tuyên truyền xung phong vẽ tranh, kẻ khẩu hiệu trên tường, tham gia hóa trang và phụ diễn trong đội kịch Tháng Tám. Tuy bận bịu, ông vẫn không quên tìm hiểu sâu sắc hơn nữa đặc tính của sơn mài Việt Nam để từng bước khẳng định sự phù hợp của chất liệu này với hội họa hiện đại, tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của hội họa Việt Nam.

Tháng 4 năm 1954 ông đi Điện Biên Phủ. Trong bối cảnh sục sôi trên chiến trường, quân, dân cả nước hướng về Điện Biên Phủ, với vài mẩu bút chì, ông say sưa ghi lại hiện thực cuộc sống. Lúc băng đèo, khi vượt suối, ông vẽ những cuộc hành quân ra tiền tuyến. Những ký họa về anh du kích, bộ đội trên đường hành quân vội vã, về các bà bủ một đời đau khổ dưới ách địa chủ cường hào, về những chị cốt cán, anh thanh niên... đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong quan niệm sáng tác của ông. Hiện thực cuộc sống dưới ngòi bút tài hoa của ông đã trở thành những tác phẩm có giá trị, ghi lại một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Với lòng đầy tin tưởng, nhiệt huyết ông mong muốn đem hết sức lực của mình đóng góp vào cuộc kháng chiến vĩ đại. Ông xông xáo, lăn lộn trên các nẻo đường kháng chiến như một người chiến sỹ. 

Ngày 17.6.1954, tại cây số 4, Ba Khe, bên kia đèo Lũng Lô, Tô Ngọc Vân hy sinh trên đường đi sáng tác, giữa lúc tài năng đang rực rỡ. Ông là một họa sĩ bậc thầy, một trí thức Việt Nam đi theo cách mạng đã cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, cho nghệ thuật, một cách vinh quang, trọn vẹn.

Danh họa Dương Bích Liên (1924-1988) rất nổi tiếng với đề tài về thiếu nữ, đương thời giới hội họa thường ví “Phố Phái, gái Liên” (tranh vẽ về phố của Bùi Xuân Phái và tranh vẽ về thiếu nữ của Dương Bích Liên). Thật vậy, Dương Bích Liên là một trong nhóm “tứ kiệt” “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” của làng hội hoạ Việt Nam lúc bấy giờ. Dương Bích Liên quê ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở (Văn Giang). Dòng họ Dương của ông ở Phú Thị có truyền thống hiếu học, thời nào cũng có văn nhân khoa bảng và những người đỗ đạt cao. Xuất thân trong một gia đình quyền thế và giàu có, năm 17 tuổi, ông nhận ra sự yêu thích và đam mê với hội họa nên quyết tâm trở thành họa sĩ.

Dương Bích Liên là một trong những học trò cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1952, ông được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Hồ Chủ tịch qua suối” của ông đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 và hiện được bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong nhóm “tứ kiệt”, Dương Bích Liên ít được biết đến bởi ông chọn sống cô đơn, thu mình lặng lẽ. Dương Bích Liên sống không vợ con. Căn nhà nhỏ ở Hà Nội của ông chỉ có một chiếc giường nhỏ quanh năm phủ ga trắng muốt, một chiếc võng, một bàn và ít ghế ngồi. 

Hoạ sĩ Dương Bích Liên là người dành cả cuộc đời cho nghệ thuật đến mức lơ đãng và quên chính bản thân mình. Là một hoạ sĩ tài ba, tâm huyết, Dương Bích Liên say mê vẽ, ngay cả trong những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, ông cũng không rời giá vẽ. Mọi chất liệu đều được ông thể hiện nhuần nhuyễn, độc đáo, siêu thoát đặc biệt là các thể loại sơn mài, sơn dầu và chì than. Nhìn vào sự nghiệp sáng tác của ông có đến 2/3 tác phẩm về đề tài phụ nữ, trong đó có những tác phẩm là tuyệt tác của hội hoạ Việt Nam hiện đại. Dương Bích Liên dành nhiều sáng tác cho đề tài thiếu nữ với bao tình cảm ưu ái, say mê và trìu mến nhất. Chân dung thiếu nữ của ông rất đa dạng, là những cô gái đẹp ông nhận ra và bắt gặp trong cuộc sống đời thường, mang một ánh sáng dung dị, thánh thiện trong trẻo. Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Dương Bích Liên là vào thập niên 70. Nhưng ông không có ý dày công cất giữ những sáng tạo của mình. Tác phẩm của ông còn lại ngày hôm nay gồm hàng trăm bức tranh, chủ yếu là do bạn bè quý mến ông nâng niu cất giữ. Sự nghiệp hội hoạ của Dương Bích Liên là một tài sản quý của kho tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2000, danh họa Dương Bích Liên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Hưng Yên còn có danh họa Lê Quốc Lộc (1918-1987) quê gốc ở làng Tiểu Quan, xã Phùng Hưng (Khoái Châu), ông được truy  tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Ông có nhiều ký họa và tranh sơn dầu, sơn mài về cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo dòng chảy thời gian, những tác phẩm sơn mài tiêu biểu của ông góp phần giúp người xem hình dung được những chặng đường của đất nước qua nhiều giai đoạn: cuộc sống thanh bình và yên ắng trong tác phẩm “Lên chùa”; không khí sục sôi những ngày kháng chiến chống Pháp trong tác phẩm "Tiêu thổ kháng chiến"... đến những góc nhìn về cuộc sống hiện đại qua "Những mảnh ghép cuộc đời"…

Những tác phẩm sơn mài nổi tiếng của ông như: Qua bản cũ, Ánh sáng đến, Tiêu thổ kháng chiến, Giữ lấy hòa bình, Từ trong bóng tối... hiện được treo trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tình yêu hội họa của ông đã truyền sang cho thế hệ con ông, nối mạch sáng tạo hội họa như các họa sỹ: Lê Huy Văn, Lê Kim Mỹ, Lê Trí Dũng... đều theo học mỹ thuật, đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ba danh họa Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Lê Quốc Lộc, mỗi người đều có riêng một phong cách nghệ thuật mang tầm vóc quốc tế, với tài năng và số phận thật sự hiếm có trong lịch sử hội họa Việt Nam. 

 

Theo baohungyen.org

Lượt xem: 14

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân